Biết lắng nghe - Đỉnh cao của nghệ thuật giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Các bạn thường nghĩ rằng, để có thể giao tiếp tốt, chỉ cần học cách ăn nói khéo léo là đủ. Nhưng trên thực tế, ngoài việc ăn nói khéo léo ra, để giao tiếp tốt bạn cần có kỹ năng lắng nghe người khác nói. Nếu người biết cách ăn nói có thể tạo được ấn tượng trước người khác thì người biết lắng nghe sẽ cho người khác cảm giác gần gũi, thân thiết. Nhưng lắng nghe như thế nào cho đúng, đó là cả một nghệ thuật.
 
 
 1. Lắng nghe một cách cẩn thận khi giao tiếp

Khi bạn giao tiếp với người khác, đừng vội vàng đưa ra lời nhận xét hay nói chen vào khi họ chưa nói hết câu, hãy lắng nghe một cách cẩn thận. Vì đôi khi một chi tiết nhỏ bị bỏ qua cũng có thể khiến bạn hiểu sai ý mà người khác đang nói. Lắng nghe một cách cẩn thận những gì đối phương nói sẽ giúp bạn có được đầy đủ thông tin của cuộc trò chuyện. Khi đó, bạn sẽ hiểu hơn thông điệp mà người nói muốn truyền đạt, có sự cảm thông và sẻ chia của mình. Ngoài ra, điều này còn cho thấy sự quan tâm và tôn trọng của bạn dành cho người nói.

2. Sự kiên nhẫn là cần có để lắng nghe trong giao tiếp

Trong nghệ thuật giao tiếp, để lắng nghe người khác, bạn cần phải có sự kiên nhẫn. Bởi vì, đôi khi trong những trường hợp nội dung trò chuyện không hấp dẫn bạn, thậm chí nhàm chán và bạn không có hứng thú tham gia nhưng vẫn phải lắng nghe. Vì vậy, bạn nên học cách kiên nhẫn trong giao tiếp. Trong những tình huống thế này, bạn chỉ cần gật nhẹ thể hiện rằng bạn đã hiểu những gì đối phương nói và chia sẻ  với họ để họ cảm thấy mình không đơn độc. Đó cũng là bí quyết để bạn có được những mối quan hệ tốt đẹp và được nhiều người yêu mến.

3. Hãy thể hiện là bạn quan tâm tới câu chuyện

Khi giao tiếp, bạn không nên chỉ nhìn chăm chăm người nói hay xao nhãng làm việc riêng. Người nói sẽ rất tinh tế để nhận ra điều đó.  Vì vậy, bạn cần có những hành động để cho thấy bạn thật sự quan tâm tới câu chuyện của họ. Khi lắng nghe người khác nói, thỉnh thoảng bạn nên có những cái gật đầu nhẹ hoặc những câu nói như: à, ừ, thì ra là vậy, rồi sao nữa,… Những lưu ý tuy rất nhỏ này sẽ khuyến khích người khác mở lòng trò chuyện với bạn và họ sẽ có ấn tượng tốt về bạn.

4. Phản hồi lại sau khi lắng nghe

Khi nghe người khác nói, bạn có thể phản hồi lại bằng ý kiến cá nhân của mình. Bạn có thể hỏi họ thêm về chủ đề mà họ đã nói hoặc gợi mở nhiều hơn để hai người có thể  cùng nhau trao đổi, thảo luận. Khi bạn làm được điều này, chứng tỏ bạn đã lắng nghe họ nói một cách chân thành và cẩn thận.

5. Không cắt ngang khi người khác đang nói

Một điều tối kỵ trong giao tiếp, đó là cắt ngang lúc người khác đang nói. Hành động này được cho là không lịch sự và dễ gây phản cảm cho người khác. Người nói sẽ bị cắt ngang, không còn có sự hứng thú để nói tiếp câu chuyện và họ sẽ nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ.

6. Tôn trọng ý kiến của người khác

Bạn hãy lắng nghe và đánh giá một cách khách quan và chân thật nhất. Trong giao tiếp, bạn không nên trực tiếp đả kích hay chê bai, khích bác ý kiến của người khác. Vì như vậy sẽ khiến cho họ cảm thấy không thoải mái và có ác cảm với bạn. Do đó, trước khi đưa ra bất kỳ nhận định gì, bạn cần phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận những gì mình đã nghe được.

Bài viết cùng loại

Bình luận