10 bước đánh thức sự sáng tạo

1. Một câu trả lời chính xác
 
Hệ thống giáo dục của chúng ta chỉ dạy con người tìm kiếm câu trả lời chính xác. Phương pháp tiếp cận này tốt trong một số trường hợp nhưng đa số chúng ta có xu hướng không tìm kiếm những đáp án chính xác sau khi tìm kiếm câu trả lời đúng đầu tiên. Điều này có rất nhiều rủi ro bởi thông thường, câu trả lời đúng thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 10 mới là điều chúng ta cần để giải quyết vấn đề theo một cách thức mới.
 
Có rất nhiều cách để tìm câu trả lời chính xác thứ hai như đặt câu hỏi: “Nếu…thì sao”, đảo ngược vấn đề, phá vỡ luật lệ. Hãy đặt những câu hỏi đánh thức tư duy và sự sáng tạo.
 
2. Điều đó là không logic
 
Logic là một công cụ tư duy sáng tạo quan trọng. Việc sử dụng nó đặc biệt phù hợp trong pha thực tế của quá trình sáng tạo, khi bạn đánh giá và chuẩn bị đưa các ý tưởng vào thực hiện. Tuy nhiên khi bạn tìm kiếm và thực hành các ý tưởng, việc tư duy logic quá mức có thể khiến quá trình sáng tạo bị hư tổn. Đó là vì pha tưởng tượng cần được dẫn dắt bởi một logic khác mang tính ẩn dụ, dị thường, giản lược và mơ hồ.
 

3. Tuân thủ các luật lệ
 
Tư duy sáng tạo không chỉ có tính xây dựng mà còn mang tính phá hủy. Thông thường bạn phải phá vỡ một khuôn mẫu để có thể khám phá ra một khuôn mẫu khác.
Hãy linh hoạt với các luật lệ. 
 
Bạn nên nhớ rằng, phá vỡ các luật lệ không có nghĩa là luôn dẫn tới các ý tưởng sáng tạo nhưng nó là một hướng đi. Hãy thực hiện cải cách và thách thức các luật lệ - đặc biệt là những luật lệ vẫn chi phối bạn hàng ngày.
 
4. Hãy thực tế
 
Mỗi chúng ta đều là một nghệ sỹ và một quan tòa bên trong. Thái độ phóng khoáng của người nghệ sỹ đặc trưng cho loại tư duy mà chúng ta sử dụng trong pha tưởng tượng khi tạo ra các ý tưởng. Quan điểm đánh giá của quan tòa lại đại diện cho loại tư duy chúng ta sử dụng trong pha thực tế khi chuẩn bị đưa ra ý tưởng vào thực hiện. 
Vì thế bạn hãy tránh đưa vị quan tòa vào trước khi người nghệ sỹ có cơ hội thực hiện công việc của mình. Sự đánh giá hấp tấp có thể ngăn cản nhận thức và sự sáng tạo của bản thân.
 
5. Vui chơi là phù phiếm
 
Nếu sự cần thiết là bà mẹ của sáng tạo thì vui chơi là ông bố. Hãy dùng nó để bồi dưỡng tư duy của bạn. Nếu bạn không có một vấn đề thì cũng hãy dành thời gian để vui chơi. Khi đó bạn sẽ tìm ra những ý tưởng mới. 

6. Điều đó không thuộc lĩnh vực của tôi
 
Chuyên môn hóa là thực tế trong cuộc sống. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, bạn phải thu hẹp sự tập trung và hạn chế lĩnh vực của mình. Tuy nhiên khi cố gắng tạo ra những ý tưởng mới thái độ thu hẹp thông tin như vậy có thể khiến bạn bị hạn chế. Chúng không chỉ buộc bạn thu hẹp vấn đề mà còn ngăn cản bạn tìm kiếm ý tưởng sáng tạo từ những lĩnh vực bên ngoài.
 
7. Đừng ngu ngốc
 
Hãy thay đổi suy nghĩ của bạn. Bạn sẽ thấy được những điều bạn thường không để mắt tới. Đây cũng là một phương pháp hữu hiệu để giải phóng tư duy khỏi những nhận thức cố hữu. 
Ví dụ: viết 2 đoạn văn mô tả vấn đề hiện tại bạn đang cố gắng giải quyết. Tuy nhiên nếu bạn là nam giới hãy viết theo quan điểm của nữ giới và ngược lại. Ít nhất bạn cũng tạo ra được một vài viên đá đặt chân hữu hiệu để phát triển sức sáng tạo của mình.
 
8. Tránh sự mơ hồ
 
Hầu hết chúng ta tránh sự mơ hồ vì nó có thể gây ra nhiều vấn đề trong giao tiếp. Tuy nhiên trong những tình huống cần sự hình dung thì những điều cụ thể có thể dập tắt trí tưởng tượng của bạn. Hãy tận dựng sự mơ hồ trong thế giới này. Nhìn một sự vật, hiện tượng và nghĩ xem nó có thể là một điều gì khác. Đây cũng là cách thức để có những ý tưởng độc đáo, sáng tạo.
 
9. Mắc lỗi là sai
 
Trong nhiều trường hợp, lỗi lầm có thể gây ra những hậu quả khôn lường, nhưng trong pha tưởng tượng của quá trình sáng tạo nó có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực. Lỗi lầm là dấu hiệu bạn đang đi chệch khỏi con đường mòn và kích thích tư duy sáng tạo của bạn.
 
Hãy nhớ rằng, thất bại có thể mang lại 2 lợi ích. Thứ nhất, nếu thật sự thất bại trong một vấn đề, bạn sẽ hiểu ra điều gì không có tác dụng cho vấn đề đó. Thứ 2, thất bại cho bạn cơ hội thử nghiệm một cách tiếp cận mới.
 
10. Tôi không sáng tạo
 
Tư duy và hành động đi liền với nhau. Và những suy nghĩ của chúng ta đều có khả năng trở thành sự thật. Nếu bạn muốn trở nên sáng tạo hơn hãy tin vào những ý tưởng của bạn và kiên trì phát triển chúng, Khi làm như vậy, bạn có thể sẽ vi phạm các quy luật của cuộc sống. Bạn sẽ tìm kiếm nhiều câu trả lời chính xác, khám phá những ý tưởng mới, chấp nhận sự mơ hồ, đôi khi trở nên ngu ngốc, vui chơi, đặt câu hỏi “nếu… thì sao?” và cố gắng vượt qua những quan điểm cố hữu. Và cuối cùng bạn có thể thực hiện tất cả những hành động này để đánh thức sự sáng tạo.
 
Trích “Cú đánh thức tỉnh trí sáng tạo”
 

Bài viết cùng loại

Bình luận