Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - Dùng chân viết nên số phận

Cũng đôi chân ấy, ông đã viết sách, làm thơ, dạy học, tư vấn để vẽ lên một huyền thoại, một tấm gương vượt khó như biểu tượng cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam noi theo.
 
Vươn lên số phận
 
Ấn tượng đầu tiên về ông là dùng đôi chân của mình mở khoá, rót trà mời khách và làm tất tần tật mọi việc nho nhỏ trong gia đình. Năm 1951, khi lên 4 tuổi, sau một cơn sốt, ông bị liệt hẳn 2 tay. Từ đó, ngày nào cậu bé Ký cũng nhìn đôi tay mềm nhũn của mình mà khóc. Bố, mẹ nhìn thấy cũng nghẹn ngào khóc theo: "Mai sau bố mẹ chết đi, con biết làm gì mà sống".
 
Ông vừa kể vừa rưng rưng nước mắt nhớ lại: "Năm lên 7 tuổi thấy các bạn đến trường, tôi cũng lân la nhìn vào lớp học. Thấy vậy, cô giáo cho tôi học một buổi, rồi dẫn tôi về nhà nói với bố mẹ: Em nó bị liệt 2 tay làm sao viết được mà học, hai bác giữ em ở nhà để các bạn trong lớp tập trung học. Bố mẹ và các chị tôi lúc đó chỉ biết an ủi tôi. Thời đó, cả nhà tôi không ai biết chữ nên chẳng ai dạy cho tôi. Ở nhà, tôi cứ lang thang ra vườn, thấy chim tha mồi bằng mỏ, tôi bèn bắt chước tập viết bằng miệng, nhưng không được. Thấy gà bới rác ở vườn, tôi lấy chân quặp viên gạch tập viết. Nhiều lần mẹ tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy con mình mồ hôi nhễ nhại đánh vật với các chữ viết đầy sân. Tôi bắt đầu tập viết chữ O, chữ V, rồi tôi tiếp tục kẹp bút viết lên tập. Thế là một hôm, vì nể gia đình nên cô giáo cho tôi vào lớp học, nhưng cô không tin rằng tôi viết được".
 
 
Khó khăn thế, nhưng ông miệt mài tập viết ngày đêm. Cuối cùng ông cũng kẹp thước, compa vẽ hình tròn, hình vuông. Việc gì trong nhà ông cũng đều làm bằng đôi chân kỳ diệu của mình. Năm 1962, ông được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc. Năm ấy, ông xuất sắc đứng thứ 5 và một lần nữa được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý lần hai.
 
Lên cấp 3, theo lời động viên của bạn bè khắp cả nước gửi thư về, ông đã chọn ngành văn. Năm 1966, ông được ĐH Tổng hợp Hà Nội gửi giấy mời nhập học ngành Ngữ văn. Trong 4 năm học đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, ông vẫn miệt mài đèn sách. Ông quan niệm: "Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở". Vì thế, ngay cả trên giường bệnh, ông vẫn miệt mài học tập. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam, nhan đề: "Những năm tháng không quên".
 
Người thầy đầu tiên dùng chân viết chữ
 
Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thày đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết". Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra, ông viết bằng cách nào, tại sao không dùng phấn, dùng bảng mà ông có thể trở thành một nhà giáo trong suốt hơn 35 năm?
 
 
Ông kể: "Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn, theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi trở về quê nhà Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên. Tôi luôn suy nghĩ rằng, mình sẽ dạy cho học sinh bằng cách nào đây khi 2 tay vô dụng, không dùng phấn được. Thế là tôi mày mò phương pháp dạy chẳng giống ai".
 
Ông tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Ông vừa dạy vừa dùng chân kéo tờ giấy che ở ngoài từ từ xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cộng với giọng nói sinh động, truyền cảm, ông đã thuyết phục được học sinh.
 
Trong bất cứ bài học nào, ông đều nghĩ những câu đố bằng thơ rất độc đáo. Chẳng hạn khi dạy tác phẩm của Nguyễn Trãi, để gây sự chú ý cho học sinh, vừa bước vào lớp, ông liền đọc 4 câu thơ: "Đức tài rực sáng sao khuê. Bút là gươm sắc phò Lê cứu đời. Lấy dân làm đạo, làm vui. Hùng văn thuở ấy đất trời còn vang". Đố các em đó là ai? Với lối dạy văn sinh động, sáng tạo, đưa cái hồn của văn học vào lớp học, ông đã làm cảm phục bao thế hệ học trò.
 
Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Thày giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo". Ngày 20/11/1992, ông là nhà giáo viết bằng chân đầu tiên được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
 
Cuộc đời của ông tưởng chừng như êm xuôi, nhưng bệnh tật vẫn luôn thách thức. Năm 1993, sau khi đến TP HCM chữa bệnh viêm cầu thận, sức khoẻ của ông suy giảm trầm trọng. Năm 1994, ông chuyển công tác từ Nam Định vào làm việc tại Phòng Giáo dục quận Gò Vấp với mong ước được ở gần các bệnh viện lớn để chữa bệnh.
 
Từ năm 1994-2005, ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến. Hằng ngày, ông đến các trường cấp 2 nghe giáo viên giảng bài, rồi ngồi cuối lớp chép lại những ý tưởng. Sau đó ông về ngồi bệt ra giữa nhà viết lại, nhiều ngày phải viết thâu đêm. Chuyên đề góp ý của ông trở thành những bài lý luận từ thực tiễn rất xuất sắc.
 
Ông được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. 1.500 buổi nói chuyện tại các THCS, THPT, THCN, cao đẳng, đại học trong cả nước là một con số mà nhiều người thày "nằm mơ" cũng không thấy.
 
Mặc dù đã 60 tuổi, nhưng sức làm việc của ông vẫn rất khoẻ. Hằng ngày, ông làm công tác tư vấn tâm lý và giáo dục cho giới trẻ qua tổng đài 108, vẫn miệt mài ngồi máy tính, dùng chân gõ những câu đố, vần thơ... Ông nói: "Niềm vui lớn nhất trong năm nay là tôi vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các con tôi đều thành đạt, mạnh khoẻ".

Bài viết cùng loại

Bình luận