5 bài học hay về cách đối nhân xử thế

1 - Bài học đầu tiên - Bà lao công

Vào tháng thứ hai đại học của tôi, ông giáo sư có cho ra một bài kiểm tra nho nhỏ. Tôi là một sinh viên chăm chỉ, nên đã lướt qua các câu hỏi hết sức dễ dàng, cho đến khi tôi đọc câu cuối cùng: "Tên của người phụ nữ quét dọn trường là gì?"

Chắc là một trò đùa đây. Tôi đã thấy bà lao công một vài lần. Bà ta cao, tóc sậm và khoảng chừng 50 tuổi, nhưng làm sao tôi biết được tên bà ta chứ? Tôi nộp bài, để trống câu hỏi cuối cùng. Trước khi lớp kết thúc, một người lên tiếng hỏi liệu câu hỏi cuối có tính vào điểm kiểm tra hay không.

"Dĩ nhiên rồi," vị giáo sư nói, "Trong suốt sự nghiệp của các bạn, các bạn sẽ gặp gỡ rất nhiều người. Người nào cũng quan trọng cả. Họ đáng được sự quan tâm và chăm sóc của các bạn, cho dù các bạn chỉ cần mỉm cười và chào họ".

Tôi không bao giờ quên được bài học đó. Tôi cũng biết được tên bà ta là Dorothy.

2 - Bài học thứ hai - Đón xe trong mưa

Một tối nọ khoảng 11h30 khuya, một phụ nữ da màu lớn tuổi đứng trên lề của một con đường cao tốc tại Alabama, đang cố chịu đựng cơn mưa bão tầm tã. Xe bà đã hỏng và bà rất cần được quá giang. Người ướt đẫm, bà quyết định vẫy chiếc xe đang đến. 

Một người đàn ông da trắng còn khá trẻ dừng xe lại để giúp bà, một chuyện mà gần như không xảy ra trong suốt thập kỷ 60 đầy mâu thuẫn sắc tộc. Người đàn ông chở bà đến nơi an toàn, giúp bà kiếm người trợ giúp, và gọi cho bà một chiếc taxi. 

Bà có vẻ vội vã, chỉ kịp ghi xuống địa chỉ của người đàn ông và cảm ơn. Bảy ngày trôi qua, và có  tiếng gõ cửa nhà người đàn ông. Khá ngạc nhiên, một chiếc TV màu khổng lồ được chuyển tới.

Một tờ ghi chú đặc biệt được đính kèm, ghi: "Cảm ơn ông đã giúp đỡ tôi trên xa lộ tối hôm đó. Cơn mưa không chỉ làm sũng áo tôi, mà còn cả tâm hồn tôi nữa. Và ông đã đến. Vì ông, tôi đã có thể đến kịp bên cạnh người chồng đang hấp hối của tôi ngay trước khi ông mất. Chúa phù hộ ông vì đã giúp tôi và phục vụ mọi người vô bờ bến."

Thân mến, bà Nat King Cole.



 

3 - Bài học thứ ba - Luôn nghĩ đến những người phục vụ

Vào thời mà kem còn rất rẻ, một cậu bé 10 tuổi vào một quán cafe khách sạn và ngồi xuống một cái bàn. Một cô phục vụ đặt một ly nước trước mặt cậu. "Một đĩa kem tráng miệng giá bao nhiêu ạ?", cậu hỏi. "Năm mươi cent", cô phục vụ trả lời.

Cậu bé rút tay ra khỏi túi quần và xem xét những đồng xu trong đó. "À, vậy một đĩa kem không thì bao nhiêu ạ?" cậu hỏi. Lúc này có khá nhiều người đang chờ bàn và cô phục vụ trở bắt đầu sốt ruột. "Ba mươi lăm cent," cô trả lời một cách cộc cằn. 

Cậu bé lại đếm tiền một lần nữa. "Vậy cho cháu mua một đĩa kem không ạ", cậu nói. Cô phục vụ mang kem ra, đặt hóa đơn trên bàn và bỏ đi. Cậu bé ăn xong đĩa kem, trả tiền và rời nơi đó. 

Khi cô phục vụ quay lại, cô bắt đầu khóc khi cô vừa mới định lau bàn. Nơi đó, đặt gọn gẽ bên cạnh cái đĩa trống, là hai nickel và năm penny. Bạn thấy đó, cậu bé không thể mua kem đầy đủ, bởi cậu muốn chừa đủ tiền để dành tặng cho cô phục vụ. 

4 - Bài học thứ tư - Vật cản trên đường đi

Thời cổ xưa, có một vị vua sai đặt một tảng đá lớn trên đường đi. Sau đó ngài lẩn đi và theo dõi xem có ai muốn dời hòn đá khổng lồ đó đi hay không. Một vài nhà buôn và cận thần giàu có nhất của ngài đi qua và chỉ đơn giản bước vòng hòn đá. Nhiều người còn to tiếng đổ lỗi cho vua vì đã không cho dọn dẹp đường đi, nhưng không ai động tay để dời hòn đá đi cả. 

Và rồi một người nông dân đi qua mang theo khá nhiều rau quả. Khi đụng phải hòn đá, người nông dân đã chịu khó tìm cách dịch chuyển hòn đá ra một bên con đường. Sau khi cố gắng hì hục đẩy, cuối cùng ông ta cũng thành công. Sau khi người nông dân nhặt túi rau quả lên, ông ta nhận thấy một cái túi nằm ngay nơi hòn đá lúc nãy. Cái túi này chứa đầy những đồng tiền vàng và một ghi chú của nhà vua, nói rằng số vàng này là dành cho người nào đã dịch chuyển hòn đá ra khỏi con đường. 

Người nông dân đã học được thứ mà nhiều người trong chúng ta không bao giờ hiểu được. Mỗi vật cản đều chứa đựng một cơ hội để cải thiện tình trạng của chúng ta.

5 - Bài học quan trọng thứ năm - Cho đi lúc cần thiết

Cách đây nhiều năm, khi tôi làm tình nguyện tại một bệnh viện, tôi có quen với một cô bé nhỏ tên là Liz đang phải chịu đựng một căn bệnh hiếm và hiểm nghèo. Cơ hội phục hồi duy nhất của cô dường như chỉ có việc truyền máu từ người em 5 tuổi của cô, người đã may mắn sống sót khỏi căn bệnh này và đã phát triển chất kháng thể cần thiết để chống lại bệnh. 

Vị bác sĩ giải thích tình cảnh cho cậu em nhỏ, và hỏi cậu có muốn cho máu cho chị mình hay không. Tôi thấy cậu chỉ do dự một chút xíu trước khi hít thở thật sâu và nói, "Vâng, cháu sẽ làm thế nếu cứu được chị cháu." Khi việc truyền máu diễn ra, cậu nằm trên giường cạnh chị cậu và mỉm cười, như tất cả chúng tôi, khi nhìn thấy màu sắc hồng trở lại trên má của cô. Rồi khuôn mặt cậu trắng dần và nụ cười dần tắt đi. Cậu nhìn lên bác sĩ và run run hỏi, "Cháu có chết ngay lập tức không ạ?". Còn nhỏ tuổi nên cậu bé đã hiểu lầm các bác sĩ, cậu nghĩ rằng sẽ phải cho chị cậu toàn bộ máu của mình để cứu sống chị.

Bài viết cùng loại

Bình luận