5 ĐỨC TÍNH QUÝ BÁU
Con người thường được đánh giá qua nhân cách. Nhân cách xấu hay tốt phụ thuộc vào cách mà họ suy nghĩ và ứng xử với mọi người, mọi việc xảy ra trong cuộc sống.
1. Cảm thông
Đức tính cảm thông đại diện cho sự thấu hiểu và khi đó con người có thể yêu thương nhau nhiều hơn. Thế nhưng, trong thực tế không phải ai cũng có thể cảm thông cho người khác, ngay cả đó là người được quý mến, tôn trọng. Thay vì cảm thông, chúng ta sẵn sàng trách móc, cười nhạo hay chê bai khi người khác trong lúc họ phạm sai lầm, những điều mình không vừa ý. Từ sự không cảm thông có thể gây nên xung đột, bất đồng và khiến họ trở nên xa cách nhau. Đôi khi, ta chỉ thấy được sai lầm và những ngớ ngẩn của mọi người xung quanh mình mà quên mất những mặt tốt của họ.
Cảm thông để yêu thương nhiều hơn
Cảm thông là khi chúng ta biết đặt bản thân vào vị trí của người khác để hiểu những suy nghĩ, cảm nhận của họ. Khi đó, ta có thể hiểu được lý do, cảm xúc của họ trong những trường hợp đó, chúng ta sẽ hiểu và không còn cớ nào để trách giận, coi thường hay chê bai người khác. Thay vào đó là sự đồng cảm và sẻ chia lẫn nhau.
2. Khiêm cung
Khiêm cung là khiêm tốn và cung kính với mọi người để chúng ta dẹp bỏ sự ngạo mạn của cái tôi. Đôi khi, chúng ta vì chứng minh sự tài giỏi mà quên mất mình là ai trong thế giới này, coi chính mình là nhất. Thế nhưng chúng ta lại không nhận ra còn có nhiều người có tài năng, sở trường trên nhiều lĩnh vực khác nữa, và sự tài giỏi của ta chưa chắc đã vượt qua họ. Sự ngạo mạn là thứ thuốc độc có thể giết chết con người như một thứ thuốc gây mê nhẹ nhàng mà cay nghiệt nhất.
Đức tính khiêm cung thể hiện cho việc chúng ta luôn biết mình, biết người, luôn khiêm tốn. Biết mình chưa thực sự giỏi giang, còn nhiều nhược điểm và cần phải cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân. Biết người luôn có những điều tốt đẹp hơn để mình học hỏi và tôn trọng.
3. Thành thật
Trong Phật giáo có 5 điều cấm kỵ cơ bản đó là: Sát sinh, uống rượu, trộm cắp, tà dâm và nói dối. Nói dối, hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ ám chỉ tới việc nói những điều không đúng sự thật với người mà còn là việc lừa dối với chính bản thân mình. Cái tôi trong người không muốn thể hiện sự yếu kém với bản tính cao ngạo, nó luôn có lớp mặt nạ ngôn ngữ che đậy cho sự kiêu ngạo đó. Đôi khi, ta dùng lừa dối để che đậy lỗi lầm, bảo vệ hình tượng, nhưng thực chất đó là hèn nhát, chỉ để thõa mãn và tệ hơn, nó còn lừa dối cả bản thân mình.
Thành thật vốn không phải một việc làm yếu mềm như bản thân vẫn tưởng. Người sống thành thật với người, với mình không phải để phơi bày điểm yếu để người ta nắm mà lợi dụng, lừa gạt hay lấn lướt. Người biết thành thật mới chính là kẻ mạnh bởi họ dám đối diện với sự thật và chấp nhận mọi điều tồi tệ có thể xảy ra. Thành thật cũng là một cách để con người ta rèn luyện sự can đảm.
4. Nhẫn nhịn
Đức tính nhẫn nhịn được biết đến như một động thái kìm hãm sự ngạo mạn của cái tôi. Trong nhiều hoàn cảnh, ta bộc lộ tất cả những trạng thái cảm xúc, đặc biệt là sự giận dữ hay nóng vội. Cái tôi không chấp nhận mình bị hạ thấp, xúc phạm, cô lập so với những cái tôi khác. Bằng một phản ứng rất thông thường, nó nhanh chóng tìm cách trả đũa. Mục đích cuối cùng của sự trả đũa này là để xả ra những bức xúc, khó chịu và khiến cho cái tôi kia cũng đau khổ như nó đang gánh chịu. Thế nhưng, kết quả của sự mất kiểm soát trong các trạng thái cảm xúc tiêu cực lại là điều khôn lường.
Nhẫn nhịn giúp ta tỉnh táo hơn
Nhẫn nhịn là đức tính không thể thiếu trong quá trình loại bỏ sức ảnh hưởng của cái tôi trong ý thức của chúng ta về bản thân mình. Biết nhẫn nhịn, con người sẽ tăng trưởng được định lực khi đối diện với những điều không được như ý trong cuộc sống. Nhẫn nhịn không có nghĩa là chúng ta chấp nhận mình thua kém hơn người khác. Ngược lại, người biết nhẫn nhịn mới là người khôn ngoan khi nhận ra rằng chẳng điều gì cần bận tâm đến vậy. Sự nhẫn nhịn cũng giúp chúng ta có đủ sự tỉnh táo để tìm cách giải quyết vấn đề được hiệu quả nhất.
5. Tha thứ
Cuộc sống con người luôn khó tránh khỏi những mâu thuẫn không đáng có. Tuy nhiên, có những sai phạm của người khác lại bị chúng ta nắm giữ rất lâu và trở thành nỗi nhức nhối phá nát tâm hồn ta từng ngày. Chỉ cần nghĩ đến chúng thôi là biết bao cảm xúc tiêu cực tràn về. Chúng ta coi những lỗi lầm của người khác như điều gì đó tệ hại, không thể chấp nhận và cũng không thể tha thứ.
Đôi khi, bạn sẽ gặp những người luôn dằn vặt về một sai lầm nào đó họ đã gây ra trong quá khứ. Họ không thể tha thứ cho bản thân mình. Nỗi ân hận cùng với sự tiếc nuối giống như những chiếc gai nhọn âm thầm phá nát sự bình yên trong tâm hồn họ, làm chính mình đau đớn. Chỉ có một phương thức duy nhất để dừng nổi đau, bất an, đó là sự tha thứ. Tha thứ ở đây chính là tha thứ cho chính bản thân của mình. Nắm giữ lỗi lầm của người khác hay day dứt lỗi lầm của mình sẽ cướp đi niềm an lạc mà có lẽ ta nên được hưởng. Đó là có lỗi với bản thân, và ta nên tha thứ để trả cho tâm hồn sự bình yên vốn có.
Bun (Theo hoitho.vn)
Bài viết cùng loại
- 30 nghệ thuật sống rút ra từ Đắc nhân tâm phần 3
- 30 nghệ thuật sống rút ra từ Đắc nhân tâm phần 2
- 30 nghệ thuật sống từ Đắc nhân tâm phần 1
- Sếp tốt là người khéo léo lợi dụng mâu thuẫn để gắn kết nhân viên
- Nghệ thuật đối đãi tốt với người khác
- Nghệ thuật thu phục lòng người trong Giao Tiếp
- Cơ hội thành công đến từ biết cảm thông cho người khác
- Hiệu ứng tâm lý thú vị tăng thêm lợi thế cho bạn khi giao tiếp
- Bão mạng Thái Lan: Đừng vội phán xét người khi nghe từ một phía!
- Nghệ thuật nói chuyện của người xưa