10 điều ước mà chúng ta muốn nói với mẹ trước khi quá muộn

Người Nhật có một cuốn sách mang tên "Đừng nghĩ rằng bạn còn 20 năm, thời gian bạn được ở bên cha mẹ thực ra chỉ có 55 ngày thôi"... Con số ấy nghe chừng thật đáng sợ thế nhưng trừ đi thời gian công việc, yêu đương, kết bạn, tạo lập gia đình mới, thời gian chúng ta lưu lại cho người cha, người mẹ hóa ra chỉ còn ít ỏi như vậy đấy.

Thời gian vô tình lắm bạn biết không, chẳng có ai mãi mãi là những cô cậu bé, và khi chúng ta trưởng thành cũng là lúc mẹ già đi. Có những điều nếu bạn không nói ra ngay bây giờ thì rất có thể mẹ sẽ không bao giờ biết được. Nếu bạn không nói ra, làm sao mẹ biết bạn hối hận vì đã làm mẹ buồn như thế nào, làm sao mẹ biết bạn tự hào về mẹ ra sao. Và hơn tất cả, nếu bạn không nói ra, làm sao mẹ biết rằng bạn cũng yêu mẹ vô cùng.

10 điều dưới đây đều là 10 điều rất nhỏ, 10 điều đến từ những câu chuyện đời thường, từ những cảm nghĩ của những đứa con về mẹ, 10 điều mà nếu bà mẹ nào nghe thấy, cũng sẽ mỉm cười hạnh phúc. Nhưng đó lại là 10 điều những người con này muốn nói ra, nhưng đã chẳng kịp, vì mẹ đã đi xa mất rồi.

 


Ước gì con được chụp với mẹ thật nhiều bức ảnh (Ảnh nguồn: Nghethuatsong Org)


Ngày hôm đó, lớp chúng tôi tổ chức họp lớp tại nhà của Ly – lớp trưởng hồi cấp 3 của tôi. Hôm đó rất vui, nhưng tôi vẫn nhớ có một khoảnh khắc khiến trái tim tôi như thắt lại, vì vừa cảm thấy ghen tị, vừa cảm thấy thật buồn. Đó chính là khi trong phòng khách, tôi nhìn thấy có thật nhiều những bức ảnh của cả gia đình Ly được treo trên tường. Ly và mẹ cậu ấy đang cười thật tươi trong chuyến du lịch Đà Nẵng, Ly và mẹ bên chiếc bánh gato lớn nhân ngày sinh nhật ba cậu ấy, Ly chu môi đáng yêu bên cạnh người mẹ đang lơ đễnh đọc báo. Mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của Ly đều được bạn ấy cẩn thận ghi lại với nụ cười và đôi mắt hạnh phúc của mẹ.

Một cảm giác buồn rầu trào dâng trong lồng ngực tôi. Cuộc sống của tôi cũng đã từng đầy ắp hình ảnh của mẹ. Mẹ cũng đã bên tôi trong những chuyến du lịch, trong những ngày sinh nhật ba, trong những ngày bình thường trôi qua ở căn nhà nhỏ của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải ghi lại thật nhiều những hình ảnh ấy. Tôi và mẹ chỉ có với nhau một vài bức ảnh chụp “cho có” trong những dịp tụ tập với gia đình, hay vài kiểu ảnh ngày Tết.

Và bây giờ, tôi ước mình đã chụp ảnh với mẹ nhiều hơn để mỗi khi nhớ mẹ, tôi có thể lôi chúng ra và ngắm nhìn nụ cười hiền từ của bà. Nhưng đó chỉ là một điều ước tôi chẳng thể thực hiện được. Mẹ tôi đã ở một nơi xa xôi lắm rồi. 

 


Hồi tôi còn là một cậu nhóc loai choai học đòi làm người lớn, lúc nào tôi cũng nghĩ mẹ mình thật ấu trĩ, luôn kìm hãm và chẳng để tôi tự lập bằng chính sức lực của mình. Năm cấp 2, tôi được lên thành phố chơi nhà bác 3 tháng. Ở cùng nhà người bác khá giả, tôi cũng đôi lúc tủi thân khi thấy đống đồ chơi la liệt của anh họ mình, tôi thèm có được nhiều đồ chơi như thế. Vài lần gọi điện về nhà, tôi vẫn van vỉ xin mẹ tiền để mua cái này cái kia, nhưng lần nào, mẹ cũng từ chối khéo.

Có một lần, hôm đấy mẹ cùng bố lên ăn cưới người quen nên ghé qua nhà bác tôi chơi. Cũng là hôm, anh họ tôi vừa được mua cái xe đạp địa hình mới coóng. Tôi thích đến mờ cả mắt đi, cứ ríu rít cả buổi chơi cùng anh. Khi có hai mẹ con, tôi xin mẹ mua cho tôi một chiếc xe đạp như vậy. Tôi đinh ninh là được chứ! Vì cả mùa hè tôi xin mua đồ chơi, mẹ đã không đồng ý rồi.

Thế nhưng, mẹ chỉ lặng lẽ lắc đầu. Nói là tôi còn nhỏ quá, một chiếc xe đạp địa hình sẽ thật là thừa thãi. Trái tim non nớt vị kỷ của tôi thắt lại. Mẹ lại từ chối tôi! Lần này, là một thứ tôi rất thích, tôi thật sự rất thích.

 


“Mẹ không thương con!!!”.

Tôi hét lên và bỏ chạy ra ngoài đầu phố, trời đổ mưa to nhưng tôi chẳng để ý gì nữa. Tôi cứ đứng khóc dưới một hiên nhà mà không nhận ra, mẹ đã cầm ô đuổi theo từ khi nào. Mẹ nhẹ nhàng dỗ dành, ôm tôi vào lòng và hứa sẽ mua cho tôi chiếc xe đạp, vì mẹ vừa nghĩ lại xong, mẹ thấy tôi đã lớn thật rồi và cần một chiếc xe đạp cho bằng bạn bằng bè.

Thế là 1 tuần sau, tiền mua xe đạp được chuyển cho bác tôi để bác dắt tôi đi mua chiếc xe đạp ấy. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế. Chiếc xe tuyệt đẹp mà trong mơ tôi cũng không nghĩ là mình sẽ được sở hữu.

Bẵng đi hết mùa hè, tôi về nhà với niềm hân hoan vì kỳ nghỉ tuyệt vời. Vẫn là căn nhà xinh xắn ấy, vẫn khoảnh sân nhỏ với đàn gà, cây bưởi ấy. Mẹ ở trong nhà vội chạy ùa ra cổng đón, bố thì đang uống nước chè và xem TV. Nhưng hình như thiếu thiếu cái gì đó, chỗ này – bên cái giếng – là chiếc xe máy đỏ của mẹ để mang đồ ra chợ bán. Hôm nay, cả bố lẫn mẹ đều ở nhà, mà chiếc xe lại không có. Tôi vội hỏi:

- Mẹ ơi, mẹ cho bác Hoà mượn xe ạ?

Mẹ cười ngượng nghịu, nói:

- Mẹ bán rồi. Đợt trước mẹ cần mua ít cây giống… nên…

Cơn xót xa trào lên trong lòng tôi. Thật ra, mua ít cây giống chẳng đáng bao nhiêu tiền, và tôi biết, chiếc xe đạp đắt tiền mà tôi đòi mua, được đổi bằng chiếc xe máy cũ mèm mẹ vẫn dùng để đi chợ. Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, trái tim tôi lại quặn thắt khi tưởng tượng ra hình ảnh mẹ đem chiếc xe độc nhất của cả nhà đi bán. Và dù mẹ đã đi xa thật xa rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại cái ngày hôm ấy, tôi chỉ muốn nói với mẹ một điều: 

- Mẹ ơi, con là một đứa con hư!

Tôi là một đứa gần như phát cuồng màu đen. Cả tủ quần áo cũng chỉ toàn những đen, xám, đan xen vài điểm trắng. Mẹ tôi, hồi vẫn còn sống, đã phàn nàn rất nhiều về chuyện đó. Mỗi khi đi đâu, mẹ đều mua quà cho tôi là những chiếc đầm hoa, những cái áo đỏ hồng, chấm bi. Vì mẹ bảo con gái thì phải nữ tính như thế chứ. Chiếc váy công sở đầu tiên của cuộc đời tôi cũng là mẹ mua tặng, chiếc váy màu hồng nhạt ôm người mà tôi đã cảm thấy vô cùng khó chịu khi phải mặc nó vào ngày đầu tiên đi làm.

 


Nhưng tất cả những bộ đồ đó - những bộ đồ trước đây tôi toàn nhét sâu đáy tủ chẳng thèm ngó ngàng, đã trở thành những thứ vô giá đối với tôi. Tôi muốn được gặp lại stylist “màu mè” đó, stylist của riêng tôi, nhưng chẳng thể được nữa rồi.

Hôm nay là ngày cưới của chị họ tôi. Chị thật xinh đẹp và lộng lẫy. Và khi nhà chú rể đến rước dâu, bác của tôi bắt đầu rơm rớm nước mắt. Chị vẫn cười, và luôn vỗ vai động viên mẹ mình. Tôi cảm thấy có chút ghen tị. Mẹ tôi đã ra đi từ khi tôi còn nhỏ. Từ bé đến giờ tôi luôn kiên cường, mạnh mẽ, quán xuyến đảm đương việc nhà chu toàn. Nhưng ngay giây phút chị họ mình ôm chầm lấy mẹ của chị trước khi lên xe hoa về nhà chồng, sự mềm yếu trong tôi như được bung tỏa.

Ước gì mẹ tôi cũng có ở đó với tôi, ở nơi mà tôi sẽ mỉm cười với chàng trai của đời mình, sẽ là người dìu dắt tôi trong khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời, sẽ làm bà mẹ hạnh phúc, rơi nước mắt tiễn con gái yêu về nhà chồng.

 


Tôi đã về Việt Nam được hai ngày. Hai ngày qua vừa vui vẻ, vừa bồi hồi, lại có chút lạ lẫm. Ở bên đó được gần năm năm, nay tôi mới có đủ khả năng để trở về thăm nhà. Bố đã dẫn tôi ra thăm mộ mẹ. Ông cũng đưa tôi thăm hàng họ, thăm làng xóm với vẻ rất đỗi tự hào khiến cho tôi cũng vui lây. Nhưng điều khiến tôi tự hào hơn cả, điều mà tôi sẽ luôn giữ mãi trong tim suốt cuộc đời này, đó là khi cụ Kim gần nhà cứ liên tục tấm tắc: “Con bé giống mẹ nó quá, giống mẹ nó quá!”.

Mẹ luôn là tấm gương của tôi, cho dù bà đã đi xa nhưng tôi vẫn còn nhớ được tình yêu thương và những chăm sóc ân cần của bà với tôi, và cả những người xung quanh tôi nữa. Câu nói của cụ chính là nguồn động lực lớn cho tôi, đem đến niềm tự hào mà tôi trân trọng nhất. Mẹ ơi, cho dù đi đến đâu, giỏi giang thế nào, gặt hái được bao nhiêu thành công - con vẫn tự hào nhất khi đã được làm con gái của mẹ thôi!

Tôi yêu mẹ thật nhiều. Từ nụ cười thật hiền, cho đến nếp nhăn trên khóe mắt, mái tóc dài dày hơi lòa xòa ra trước mặt. Từ ngày tôi còn nhỏ, mẹ đã rất xinh đẹp. Ngay cả đến sau này, khi mang căn bệnh quái ác đó, nụ cười của mẹ, nếp nhăn của mẹ vẫn cứ xinh đẹp như thế.

Nhưng tôi chưa bao giờ một lần nói thẳng với mẹ những điều đó, lúc nào cũng tỏ ra không sao, không cần và có lẽ, đã làm mẹ buồn nhiều. Khi nhiều năm trôi qua, khi ngày ngày cảm thấy đau lòng và nuối tiếc, tôi luôn mong hồi trước mình có đủ dũng khí để bày tỏ tình yêu của mình với mẹ.

 


Mẹ tôi luôn nhắc tôi ăn uống đầy đủ, không được ham đồ rẻ mà ăn ngoài tiệm nhiều. Mẹ tôi luôn nói ngủ sớm, dậy sớm mới tốt cho cơ thể. Mẹ tôi cũng luôn dặn dò phải đi khám sức khỏe thường xuyên, đi khám răng định kỳ. Mẹ tôi hay rủ tôi cuối tuần ra công viên tản bộ, vì mẹ nói vận động rất có ích.

Mẹ dạy tôi dù là con trai cũng cần phải biết làm việc nhà, để sau này có gì đỡ đần vợ tương lai. Mẹ bảo lúc nào cũng phải sống trung thực, ngay thẳng, không được vì bản thân mà làm chuyện có hại với người khác. Mẹ nói nếu cuộc sống quá mệt mỏi, thì cứ về nhà với mẹ, mẹ sẽ nuôi ăn và giặt quần áo cho hàng ngày, chẳng phải lo nghĩ gì nữa.

 


Mẹ đã từng là người thầy lớn nhất trong đời của tôi như thế đó. Nhưng mà mẹ ơi, mẹ đã quên mất chuyện chỉ dẫn con sống làm sao khi thiếu mẹ rồi. Con phải làm gì bây giờ, mẹ ơi?

“Mẹ ơi con trượt Đại học mất rồi. Nhưng mẹ đừng lo, con sẽ chăm chỉ ôn lần nữa và năm sau con sẽ thi lại.”

“Ừ, có ý chí thế là tốt. Cố gắng mà học con nhé!”

“Mẹ ơi, con được một anh bạn rủ góp vốn làm chung một cửa hàng. Kế hoạch hay lắm, con nghĩ con sắp giàu rồi mẹ!”

“Haha, ông tướng ạ! Làm ăn chứ không phải chuyện đùa, phải cẩn trọng trong từng việc con làm đấy nhớ chưa.”

“Mẹ ơi cửa hàng ế ẩm quá, có khi cuối tháng bọn con đóng cửa. Mẹ ơi, con nghĩ kỹ rồi, con sẽ dành tiền đi học pha chế, và sau đó mở một quán café nhỏ cho riêng mình mẹ ạ.”

“Ôi tốt quá, cứ có chí là được rồi, mẹ ủng hộ anh!”

Mẹ luôn nói, dù tôi thành hay bại, chỉ cần về nhà là có mẹ ở đó. Nhưng điều đó đã là một ký ức xa xôi. Tôi không biết mình đang ở đâu, khi người luôn đứng đằng sau, ủng hộ và cổ vũ tôi làm mọi điều đã không còn. Tôi mong, mẹ vẫn luôn cười vì thằng con này – dù không giỏi giang như con nhà người khác, nhưng vẫn đủ để làm mẹ tự hào.

 


Tôi là con thứ hai trong gia đình. Năm tôi lên cấp ba, mẹ tôi mất vì một căn bệnh hiểm nghèo. Bạn có biết, sau những nỗi đau đớn xé nát tâm can, cảm giác còn lại là gì không? Đó là nỗi bất an, sự trơ trọi. Tôi cảm thấy mình giống như một chú rùa mất mai, cực kỳ nhạy cảm với thế giới và dù có muốn rụt đầu vào, cũng chẳng thể có gì che chắn. Trước đây, mỗi khi buồn hay tủi thân, tôi đều có thể về nhà nói với mẹ, được mẹ vỗ về. Nhưng bây giờ, tôi về đâu khi chẳng còn có mẹ ở đó?

Tôi sợ những ngày hiện tại, sợ cả tương lai, sợ cuộc sống xung quanh. Mẹ đã luôn bảo vệ và yêu thương, là nơi bình yên để tôi dựa vào, cũng là lá chắn bao bọc tôi trước những khắc nghiệt của cuộc sống. Tôi đã luôn tỏ ra mình độc lập, đã luôn nói rằng mình có thể đứng vững. Nhưng tôi cũng đã không nhận ra rằng, mình cần sự che chở của mẹ nhiều đến thế. Để đến bây giờ, tôi chỉ muốn oà khóc và sà vào lòng mẹ, để nói rằng: "Thế giới này thật sự bất an khi không có mẹ ở bên", nhưng cũng chẳng thể làm được điều ấy nữa rồi.

 


Mẹ là người chăm sóc cho con kể từ khi con mới được thành hình. Mẹ đã luôn yêu thương con kể từ khi con nằm trong bụng mẹ. Mỗi khi con ngoan là mẹ lại xoa đầu và mỉm cười. Mỗi sáng ngủ dậy, mẹ lại chải đầu, tết tóc, cho con mặc váy thật xinh và đưa con đến trường. Con lớn lên với sự chăm chút, yêu thương từng xíu, từng xíu một của mẹ. Từ chuyện đi học, đi làm, cho đến chuyện bạn bè, người yêu... mẹ đều ở đó để ôm ấp vỗ về và cho con những lời khuyên ý nghĩa.
 


Con biết, mình đã là cả cuộc đời của mẹ. Cảm ơn mẹ vì đã bên con từ những tháng ngày con bé bỏng, yếu ớt nhất. Mẹ đã làm một người mẹ tốt nhất trên thế gian này rồi đó, mẹ có biết không? Và bây giờ, đến lượt con chăm sóc con gái của mình với cả trái tim, tình yêu thương và những bài học mà mẹ đã dạy con. Mẹ không còn ở đây để nhìn thấy con nâng niu em bé đỏ hỏn trên tay nữa, điều đó làm trái tim con như thắt lại. Nhưng con sẽ nhớ lại mẹ đã nâng niu và ân cần với con thế nào, đã chỉ bảo và chăm bẵm con như một đứa trẻ - dù con bao nhiêu tuổi đi nữa.

Mẹ ơi, con muốn nói với mẹ điều này, dù bây giờ đã là quá muộn: "Con sẽ trở thành một bà mẹ tốt, chỉ bằng việc nhớ lại mẹ đã yêu thương con ra sao. Cảm ơn mẹ, thật sự cảm ơn mẹ".

 

Nguồn: TriThucTre

Bài viết cùng loại

Bình luận