TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH

Nguyễn Nhật Ánh vẫn lối văn hóm hỉnh, dí dỏm ấy mà đựng đầy những kỉ niệm về tuổi thơ, kể cho chúng ta những câu chuyện mà có lẽ đã từ lâu rồi ta đã lãng quên.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nói về tình anh em. Đó là câu chuyện của người anh kể về người em, hay là số phận của người em dưới cái nhìn của người anh. Cậu bé Tường tưởng như sinh ra để hy sinh và nhường nhịn người khác và cuộc đời đã ban tặng cậu hạnh phúc ngọt ngào mà cậu mong mỏi. Trong khi Thiều, anh trai cậu, một cậu bé ích kỷ, hẹp hòi tưởng có được tất cả thì hoá ra chẳng có gì. Bài học đó thú vị ở chỗ nó do chính người anh ích kỷ, hẹp hòi rút ra chứ không phải ai khác.

Cạnh bên tình anh em là những mối quan hệ thường ngày của lũ trẻ: bạn bè, những trò chơi, những cuộc cãi vả, xen lẫn vào đó lại là những rung động đầu đời. Những tình cảm ấy nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng

 

 
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh giống như một bức tranh muôn màu về cuộc sống. Có những dí dỏm, hài hước, có sự sợ sệt của trẻ con, có cả những phút khiến ta phải dừng lại để suy nghĩ như chuyện thằng Tường chịu đòn thay cho anh, chuyện nhà con Mận bị cháy…

Truyện làm cho người đọc mỉm cười khi thấy sự dễ thương của cu Thiều khi viết lá thư tỏ tình đầu đời, lúc cu Tường làm chim xanh... Và cũng không thể nào thôi day dứt khi nghĩ đến người cha của bé Mận vì biết mình bị cơn bạo bệnh đã tìm mọi cách bỏ nhà ra đi vì không muốn mẹ con bé Mận phải khổ.

Người đọc cũng khó cầm lại nước mắt của mình khi có một ông Tam Tàng trong ngôi làng ấy đã giả điên làm vua chỉ vì thương đứa con gái tâm thần của mình luôn nghĩ nó là một nàng công chúa xinh đẹp..
Những câu chuyện vẫn luôn ở đó, ai ai cũng có một thời quá khứ của riêng mình. Nguyễn Nhật Ánh không tô vẽ nên những điều đó, ông chỉ đơn giản là góp nhặt và kể lại cho chúng ta nghe một cách chậm rãi, để mỗi nhân vật, mỗi hình tượng ẩn chứa những thông điệp mà ông muốn gửi gắm cho cuộc đời.

Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan, Nguyễn Nhật Ánh đã nói: “Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên bằng văn chương.” Và “Tôi đã hoa vàng trên cỏ xanh” lại một lần nữa ngân vang như réo gọi, như chính những khát khao tìm lại một quá khứ vẫn luôn trăn trở trong cuộc đời của mỗi con người.

Hãy chọn một góc nào đó yên tĩnh và thả trôi mình ngược về quá khứ, trở lại những ngày xưa, gắn kết những câu chuyện rời rạc với tuổi thơ của chính bạn. Để nhận ra rằng bạn đã từng có một thời trong trẻo như thế.
 
 
Theo gocsuyngam

Bài viết cùng loại

Bình luận