Kỹ Năng Tư Duy: Tự Nhận Thức

Kỹ năng tự nhận thức là một kỹ năng sống cơ bản, là khả năng con người có thể ý thức rõ ràng về cảm xúc, tính cách, quan điểm, giá trị và động cơ, hiểu biết và chấp nhận những tố chất vốn có để phát huy điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu nhằm tổ chức tốt cuộc sống và cải thiện mối quan hệ của mình với mọi người.

Như thế nào là kỹ năng tự nhận thức?


Tự nhận thức là nền tảng hỗ trợ con người trong việc giao tiếp, ứng xử phù hợp với mọi người. Trước tiên là những người thân yêu trong gia đình, lớp học, cơ quan, sau đó là những người trong cộng đồng. Tự nhận thức giúp con người sống nhân ái, cư xử đúng mực với mọi người.

Ngoài ra, nó còn giúp chúng ta hiểu đúng về bản thân, từ đó có những quyết định và lựa chọn đúng đắn, phù hợp với khả năng, điều kiện hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của xã hội. Ngược lại, đánh giá sai về bản thân có thể dẫn đến những hạn chế hoặc ảo tưởng về năng lực, sở trường của con người và gây thất bại cho việc giao tiếp với người khác trong cuộc sống.

Tự nhận thức được hình thành thông qua các quá trình giáo dục, hướng dẫn của người lớn khi còn nhỏ và các trải nghiệm tư duy thực tế, đặc biệt là sự giao tiếp với người khác khi trưởng thành.

 


Rèn luyện kỹ năng tự nhận thức


Quá trình tự nhận thức về bản thân

Tự lắng nghe

Đây là một quá trình suy ngẫm và tự sự với chính mình để đưa ra những nhận định về ưu điểm, nhược điểm, nhu cầu, sở thích, nguyện vọng, mong muốn, cảm xúc... của bản thân. Một người biết nhìn nhận về mình một cách chính xác sẽ sống khiêm tốn, trung thực, cởi mở với mọi người. Đây là công việc mà mỗi cá nhân cần thực hiện thường xuyên và dành thời gian cho nó.

Hãy lắng nghe người khác một cách tích cực và có tính chọn lọc. Người lắng nghe tốt luôn có thái độ tôn trọng, cầu tiến, chấp nhận những phản hồi của người khác thể hiện sự sẵn sàng không ngừng học hỏi. Từ đó bạn có thể nhận thức nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.

Tự bộc lộ chính mình

Trong giao tiếp, đây là sự cởi mở, hòa đồng với người khác thông qua quá trình tương tác với nhau. Điều này sẽ giúp người khác hiểu rõ hơn về chính bạn, đồng thời họ cũng sẽ chỉ ra những khía cạnh tích cực cũng như mặt hạn chế mà bạn chưa nhìn thấy, làm tăng sự hiểu biết lẫn nhau trong giao tiếp. Với một số cá nhân còn tự ti, nhút nhát và gặp khó khăn trong việc bộc lộ bản thân mình thì hãy tìm cơ hội bày tỏ với những người thân yêu, gần gũi với bạn.

 


Thể hiện bản thân với người xung quanh


Họ sẽ là chỗ dựa tinh thần và cũng là người quảng bá những điều tốt về bạn, nó sẽ được lan truyền rộng rãi hơn và sẽ có nhiều người sẽ biết. Nếu làm thử lần đầu tiên mà thành công thì lần sau bạn sẽ cảm thấy tự tin và việc thực hiện những lần tiếp theo dễ dàng hơn nhiều.

Việc nói ra những niềm vui, những mặt tích cực thường rất dễ nhưng đối với những điểm yếu, nỗi buồn, tức giận thì sẽ khó hơn nhiều, thậm chí có thể gây tổn thương cho chính bạn. Vì vậy, mỗi người đều rất cần sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng. Những ai dám nói ra những khiếm khuyết của chính mình, dám đối mặt với sự thật là những con người phi thường và sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

 

Nguồn: HocKyNangSong

Bài viết cùng loại

Bình luận