Quy tắc quản lý tài chính 6 cái lọ
Chia thu nhập của mình ra thành 6 quỹ là phương pháp quản lý tài chính đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay.
Công thức này do T. Harv Eker lập ra. Ông là tác giả của cuốn sách bán rất chạy Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth). Harv Eker cũng là người sáng lập kiêm giám đốc công ty Peak Potential Trainning. Theo Harv, quản lý tài chính hiệu quả bằng cách chia thu nhập của bạn thành 6 cái lọ hoặc 6 tài khoản ngân hàng, hay còn gọi là 6 quỹ tài chính. Lưu ý 6 quỹ này phải tách biệt với nhau. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ.
1. Nhu cầu thiết yếu (NEC) = 55%
Quỹ này giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống: ăn uống, sinh hoạt, mua sắm và các chi phí khác. Nếu bạn không thể sống với 55% thu nhập của mình thì hoặc là bạn cần gia tăng thu nhập hoặc là bạn cần đơn giản cuộc sống, ví dụ thay vì đi uber, bạn hãy đi xe bus, thay vì đi xe tay ga, bạn hãy đi xe số, thay vì ăn ngoài thì tự nấu ở nhà với những thực phẩm bình dân.
Quỹ NEC giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày (Ảnh: magazine.job-like)
2. Tiết kiệm dài hạn (LTSS) = 10%
Quỹ này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Ban đầu, bạn nên chia số tiền 10% tổng thu nhập này thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này ra và tập trung cho những mục tiêu lâu dài.
Quỹ LTSS giúp tiết kiệm dài hạn hoặc cho những trường hợp khẩn cấp (Ảnh: realestatestalk)
3. Giáo dục đào tạo (EDUC) = 10%
Quản lý tài chính thông minh không thể thiếu yếu tố đầu tư vào giáo dục. Bạn dùng quỹ này để phát triển bản thân: mua sách, tham gia các khóa học, đào tạo, diễn thuyết hay gặp gỡ, giao lưu với những người thành công để học hỏi... Bạn nên nhớ, cách đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào học tập.
Quỹ EDUC đầu tư vào giáo dục giúp phát triển bản thân (Ảnh: kidspot)
4. Hưởng thụ (PLAY) = 10%
Hãy dùng quỹ này để chăm sóc tinh thần, giúp bạn được hưởng cảm giác của người thành công và giàu có: ví dụ đến những nơi chưa từng đến, ăn những món chưa từng ăn, đi spa, đi nghe hòa nhạc....Harv Eker khuyên nên tiêu hết tiền của quỹ này vào ngày cuối cùng của mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hưởng một dịch vụ đắt đỏ hay một chuyến du lịch xa hơn, bạn có thể tiết kiệm quỹ này trong một quý trước khi sử dụng.
Quỹ PLAY giúp chăm sóc tinh thần, cho bạn hưởng cảm giác của người giàu có (Ảnh: B&BNiagara)
5. Quỹ tự do tài chính (FFA) = 10%
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Nhiều người có thể về hưu sớm là nhờ họ được tự do tài chính. Bạn không được tiêu tiền trong quỹ này, tiền của quỹ này chỉ được dùng để đầu tư và tạo ra thu nhập thu động cho bạn.
Quỹ FFA giúp bạn không phải phụ thuộc vào tài chính người khác (Ảnh: GOBankingRates)
6. Giúp đỡ người khác (GIVE) = 5%
Quỹ này giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Tiền sẽ được dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè...vì cuộc sống rất cần sẻ chia.
Quỹ GIVE giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuộc sống (Ảnh: hgtv)
>> Những thói quen của những người thành công về tài chính
Nguồn: giadinh.vnexpress
Bài viết cùng loại
- Đứng trên đôi chân của chính mình
- Phụ nữ hiện đại
- Vượt qua nỗi sợ mang tên Body Shaming
- Làm thế nào để phát triển tự nhận thức?
- Tầm quan trọng của tự nhận thức
- Những cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo phần 2
- Những cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo phần 1
- Làm sao để trông tự tin hơn?
- Làm cách nào để chủ động hơn
- 8 thói quen giúp bạn làm việc hiệu quả phần 2