5 CÁCH TÌM LẠI CẢM HỨNG HỌC TẬP

Lý do hình thành nỗi niềm chán học này có thể đến từ áp lực cuộc sống hay học hành, kỳ vọng một kết quả học tập vượt quá khả năng bản thân, nội dung bài học nhàm chán hay chỉ đơn giản là đang lười. Dù thế nào, tình trạng này cũng không nên kéo dài, đặc biệt là khi ngày thi đang gần kề. Vậy làm thế nào để cảm hứng học hành sớm trở lại?
 

1. Làm những gì mình thích


Nếu không còn bất kỳ hứng thú nào với học tập ngay lúc này, bạn hãy tạm gác lại chuyện học một lúc và thử làm một vài hoạt động mà bạn hứng thú, chẳng hạn đọc sách, xem phim, đi ăn cùng bạn bè…

Điều này sẽ giúp bạn kích thích tinh thần, tạo suy nghĩ tích cực để chuẩn bị giành lại cảm hứng cho việc học. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế sa đà vào các hoạt động yêu thích, chỉ thực hiện trong một thời gian đủ ngắn để khơi dậy niềm hứng khởi của bản thân. Trong tương lai, khi niềm vui học trở lại, bạn có thể dùng chính những sở thích, niềm đam mê này làm phần thưởng cho nỗ lực học tập, như một cách tạo động lực cho chính mình.

 

2. Xác định lại lý do hay mục đích học tập

 

Nếu đang là học sinh - sinh viên, lý do để bạn bắt đầu học là do định hướng của bố mẹ, nhưng dần dần, khi suy nghĩ trưởng thành hơn, bạn sẽ tìm ra nhiều lý do khác để tiếp tục con đường học vấn của mình. Một số bạn lựa chọn học giỏi để du học, để thi vào những trường chuyên lớp chọn hay biết trước con đường sự nghiệp để theo đuổi đến cùng. Những khi cảm hứng không còn mãnh liệt, đó là lúc bạn nhìn lại mục đích học của mình. Đó chính là động lực mạnh mẽ nhất để bạn dồn sức và quyết tâm thay đổi thái độ học.

Còn với những bạn đang theo những khóa học ngắn hạn, các lớp kỹ năng, học Tiếng Anh… lý do học của bạn sẽ còn rõ ràng hơn khi quyết định học phần lớn do bạn lựa chọn và bạn biết mình học để làm gì. Tìm cách thay đổi chính mình để trở lại con đường mình vạch ra sẽ giúp bạn làm chủ bản thân tốt hơn và thể hiện sự tôn trọng với quyết định ban đầu của mình.

Trong trường hợp có sự thay đổi, bạn nên xác định lại những gì mình muốn để điều chỉnh và định hướng lại việc học, tập trung hơn vào mục đích học để có kết quả học tập phù hợp.

 

3. Tìm ra động lực học của bạn

 
Biết được lý do học tập nhiều khi vẫn chưa đủ sức để kéo bạn trở lại con đường học hành. Bạn cần tìm những động lực cụ thể và đủ mạnh để kéo mình trở lại với việc học. Việc đề ra quy tắc thưởng phạt dựa trên kết quả học hành và đảm bảo thực hiện đúng cũng là một cách tạo động lực thường thấy. Chẳng hạn, tự tặng mình một chuyến du lịch đến địa danh yêu thích nếu thi đậu Đại Học là một gợi ý cho cách tạo động lực.

Ngoài ra, nếu bạn có nhóm học tập thì hãy cùng thi đua và chọn ra người có kết quả cao hơn để trao tặng một phần thưởng do những bạn còn lại góp tặng từ trước. Cạnh tranh trong học tập cũng góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của các thành viên trong nhóm.

 

4. Giữ sức khỏe thật tốt

 

 
 
Một trong những lý do mất cảm hứng học tập là sức khỏe không ổn định, dẫn đến tinh thần mệt mỏi, dễ chán nản và đầu óc không còn đủ tỉnh táo để tập trung. Hãy sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ bữa, ngủ đủ giấc và biết cách chăm sóc bản thân. Tập thể dục và rèn luyện sức khỏe thể chất thường xuyên sẽ giúp bạn tăng cường khả năng tập trung và học hiệu quả hơn. Chỉ khi bạn khỏe mạnh thì mới đủ sức kéo cảm hứng về lại với chính mình.

Bên cạnh đó, áp lực tâm lý nhiều khi khiến bạn căng thẳng quá mức. Bạn nên giữ trí óc thoải mái và thư giãn khi stress, hạn chế suy nghĩ nhiều lúc quá mệt để cơ thể tự điều chỉnh về trạng trái cân bằng rồi mới trở lại với việc học.

 

5. Sắp xếp lại góc học tập

 
Một mẹo nhỏ để tạo cảm hứng học là dựng một góc học tập có khả năng truyền cảm hứng học tập dành riêng cho bạn. Hãy thử dọn dẹp lại bàn học, sắp xếp sách vở thật khoa học và trang trí phòng học theo cách mà bạn yêu - chắc chắn những điều nho nhỏ này sẽ đóng góp không ít vào công cuộc khơi gợi niềm say mê học tập cho chính bạn. Một phòng học ngăn nắp, bàn học gọn gàng và có những cách bài trí hợp ý sẽ tạo cho bạn cảm giác thư thái và hứng thú để bắt đầu bài học mới trong ngày.
 
Theo 3hoc.vn

Bài viết cùng loại

Bình luận