Lý do bạn nên làm việc ít đi để thành công hơn
“Chủ động nghỉ ngơi” là điều không dễ thực hiện, nhưng có những lý do chính đáng để bạn cố gắng làm điều đó, theo tác giả Amanda Ruggeri.
Amanda là nhà báo, biên tập viên, nhiếp ảnh gia của BBC, chuyên viết về du lịch, văn hóa và công nghệ. Trên trang Du lịch của BBC ngày 5/12/2017, cô có bài phân tích thuyết phục về quan điểm trên của mình như sau:
Khi tôi từ thủ đô Washington tới Rome, điều khiến tôi ngạc nhiên hơn bất cứ cột đá cổ hay thánh đường nguy nga tráng lệ nào, đó là mọi người chẳng làm gì cả.
Theo luật thì các nước thuộc Liên minh châu Âu đều có ít nhất bốn tuần nghỉ phép có lương, ở Ý có thêm tới 10 ngày nghỉ nữa
Làm việc nhưng chớ quên dành thời gian thư giãn
Tôi thường thoáng nhìn thấy những phụ nữ lớn tuổi đưa mình bên cửa sổ, nhìn ngắm mọi người qua lại, hoặc những gia đình cùng chiếc xe đẩy hàng siêu thị của họ dừng lại rất thường xuyên để chào hỏi bạn bè. Thậm chí cuộc sống công sở cũng khá khác biệt.
Hãy quên những chiếc sandwich vội vàng trên bàn làm việc đi, đến giờ ăn, các nhà hàng chật chỗ khi các thực khách kiếm tìm một bữa trưa thoải mái.
Dĩ nhiên, từ khi xu hướng du lịch Grand Tourists (xu hướng đi xa và khám phá những nơi mới của người trẻ thuộc giới thượng lưu châu Âu) bắt đầu nở rộ từ thế kỷ XVII, những du khách đã phần nào biết về sự "lười biếng" ở Ý.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Họ hay về tận hưởng một bữa trưa thoải mái ở nhà thường quay lại công ty và làm việc tới tận 8 giờ tối
Việc Thụy Điển thực hiện ngày làm 6 giờ đã cho kết quả là các nhân viên có sức khỏe tốt hơn và làm việc năng suất hơn.
Thậm chí là vậy, tôi vẫn luôn ngạc nhiên về niềm tin hiển nhiên của mọi người ở đây vào việc cân bằng giữa sự làm việc chăm chỉ với sự thoải mái của việc chẳng làm gì cả (il dolce far niente) và chủ động nghỉ ngơi.
Suy cho cùng, chẳng làm gì cả có vẻ là mặt trái của sự hiệu quả. Và tính hiệu quả, dù là về sự sáng tạo, trí tuệ hay về mặt công nghiệp hóa, đều là để tối ưu thời gian của chúng ta.
Nhưng khi mỗi ngày chúng ta đều cố gắng làm việc và làm việc, rất nhiều người sẽ nhận ra rằng những công việc không ngừng như vậy không hề mang tính hiệu quả, mà là ngược lại.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng không những phần việc chúng ta hoàn thành vào cuối một ngày làm việc kéo dài 14 giờ có chất lượng kém hơn hẳn so với phần việc đó nếu được làm khi chúng ta mới đến công ty, mà kiểu làm việc như vậy còn làm xói mòn sự sáng tạo và hiểu biết của chúng ta. Theo thời gian, điều đó có thể khiến cơ thể suy nhược và thậm chí, có thể dẫn tới các hậu quả không thể khắc phục được.
Jonsh Davis, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Two Awesome Hours (tạm dịch: Hai giờ tuyệt vời), đã gợi ý: hãy coi việc lao động trí óc giống như việc chống đẩy, nếu bạn muốn chống đẩy 10.000 cái, thì cách "năng suất" nhất là làm liên tục không ngừng nghỉ.
Logic là vậy, nhưng chúng ta đều biết đó là điều không thể. Thay vào đó, nếu chúng ta chống đẩy vài cái, xen giữa các hoạt động khác, trong vài tuần, thì việc đạt đến cái chống đẩy thứ 10.000 sẽ khả thi hơn nhiều.
Davis nhấn mạnh: "Bộ não hoạt động cũng giống như các cơ bắp, trong điều kiện không tốt, như khi làm việc liên tục, nó sẽ chỉ có thể làm được những việc nhỏ. Còn trong điều kiện thích hợp, nó có thể làm được hầu hết mọi việc".
Làm việc, hay chết
Các chuyên gia nhận định: rất nhiều người trong chúng ta có xu hướng coi hoạt động của bộ não giống một cái máy tính - có thể làm việc liên tục. Điều đó không những sai, mà sự cố gắng làm việc trong nhiều giờ liên tục không nghỉ còn có thể khiến chúng ta bị tổn thương.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những doanh nhân nào có ít ngày nghỉ khi ở tuổi trung niên thường có xu hướng chết sớm hoặc có sức khỏe yếu kém khi về già.
Nhà khoa học Andrew Smart, tác giả của tác phẩm nổi tiếng Autopilot từng phân tích: "Ý tưởng về việc một người có thể luôn tập trung làm việc và luôn trong khoảng thời gian làm việc hiệu quả là hoàn toàn sai lầm. Đó là việc tự chuốc lấy thất bại.
Nếu bạn liên tục làm việc cùng cái nhận thức sai lầm đó, trong trạng thái mà các cơ bắp vật lý đang đòi hỏi "cho tôi nghỉ ngơi" nhưng bạn vẫn tiếp tục, thì kết quả là bạn sẽ nhận lại sự căng thẳng, và theo thời gian, điều đó sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm".
Một phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng làm việc trong thời gian dài khiến nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến động mạch vành tăng đến 40% - cao gần bằng việc hút thuốc lá (50%).
Một nghiên cứu khác cho kết quả những người làm việc trong thời gian dài có nguy cơ cực cao về đột quỵ, và những người làm việc nhiều hơn 11 giờ mỗi ngày có khoảng thời gian trầm cảm nặng cao gấp gần 2,5 lần những người làm việc 7 - 8 giờ/ngày.
Ở Nhật Bản, điều này đã dẫn đến một xu hướng đáng lo ngại mang tên Karoshi, hay còn gọi là chết vì làm việc quá sức.
Một nghiên cứu về các doanh nhân ở Helsinki (Phần Lan) thực hiện trong 26 năm đã chỉ ra, các nhà quản trị và các doanh nhân, những người có ít ngày nghỉ hơn trong quãng đời trung niên đều chết sớm hoặc có sức khỏe kém khi về già. Những ngày nghỉ trở nên rất đáng giá.
Một nghiên cứu trên 5.000 người lao động toàn thời gian ở Mỹ cho thấy những người dùng ít hơn 10 ngày nghỉ phép trong năm sẽ có ít hơn 1/3 cơ hội được tăng lương và thưởng trong vòng 3 năm, trong khi con số này ở những người dùng nhiều hơn 10 ngày nghỉ là 2/3.
Nguồn gốc của sự hiệu quả
Những người sáng tạo nhất, làm việc hiệu quả nhất đã nhận ra sự quan trọng của việc làm việc ít đi.
Người có công thống nhất Hoa Kỳ, Benjamin Franklin, một hình mẫu của sự siêng năng cũng dành phần lớn thời gian của mình để nghỉ ngơi. Mỗi ngày ông đều có 2 giờ để ăn trưa, ông dành thời gian thư giãn vào buổi tối và có một giấc ngủ dài mỗi tối.
Thay vì làm việc không ngừng cho sự nghiệp của mình như một cái máy, ông dành "phần rất lớn thời gian" vào các sở thích cá nhân và các quan hệ xã hội.
Tác giả Hai giờ tuyệt vời viết: "Thực tế, những điều thú vị đã lôi cuốn ông khỏi công việc trọng tâm lại chính là thứ đưa ông đến với những điều tuyệt vời khác để ông nổi tiếng, như là phát minh ra bếp lò Franklin, hay cột thu lôi".
"Làm một việc tại một thời điểm cho đến khi xong việc", là một trong 11 lời khuyên (11 commandments on writing) của Henry Miller - nhà văn nổi tiếng người Mỹ.
Một cuộc điều tra gần 2.000 nhân viên văn phòng làm việc toàn thời ở Anh cho thấy, mọi người chỉ làm việc hiệu quả trong 2 giờ 53 phút trong vòng 8 tiếng làm việc.
Thời gian còn lại dành cho việc kiểm tra các phương tiện truyền thông xã hội, đọc tin tức, có các cuộc trò chuyện không liên quan đến công việc với các đồng nghiệp, ăn uống...
Nhà tâm lý học K Anders Ericsson của Đại học Stockholm đã phát hiện ra rằng khi tham gia vào một loại "thực hành có chủ ý" để nắm vững bất kỳ kỹ năng nào, chúng ta cần nghỉ ngơi nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Hầu hết mọi người chỉ có thể tập trung (không nghỉ ngơi) trong một giờ đồng hồ. Các nhạc công, nhà văn, vận động viên ưu tú không bao giờ làm việc chuyên môn quá 5 giờ một ngày.
Nhiều nghiên cứu khác cũng nhận thấy rằng việc giải lao giữa lúc đang làm một công việc sẽ giúp một người có sự tập trung tốt hơn khi trở lại công việc.
Lý do mà chúng ta có 8 giờ làm việc mỗi ngày là vì các công ty đã nhận ra việc cắt giảm giờ làm của nhân viên tạo ra hiệu ứng ngược lại mà họ mong muốn: nó giúp tăng hiệu suất làm việc.
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 2.0, làm việc 10 - 16 giờ/ngày là bình thường.
Ford là tập đoàn đầu tiên thử nghiệm làm việc 8 giờ một ngày và nhận ra công nhân có năng suất làm việc cao hơn hẳn, không chỉ theo giờ, mà ở mọi khía cạnh. Và trong vòng 2 năm, lợi nhuận của họ đã tăng gấp đôi.
Nếu 8 giờ làm việc hiệu quả hơn 10 giờ, liệu số giờ làm việc ít hơn nữa có đem lại hiệu quả cao hơn?
Có thể! Với những người trên 40 tuổi, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng một tuần làm việc 25 giờ là đủ với họ, trong khi một nghiên cứu với 6 giờ làm việc mỗi ngày ở Thụy Điển đã chỉ ra rằng việc đó giúp các nhân viên có sức khỏe và hiệu suất tốt hơn.
Chủ động nghỉ ngơi
Nhưng "nghỉ ngơi", theo phân tích của các nhà nghiên cứu, không hoàn toàn là từ phù hợp nhất để mô tả hành vi của chúng ta làm khi chúng ta không làm gì.
Trên thực tế, một phần của bộ não vẫn hoạt động ngay cả khi chúng ta chẳng làm gì, điều đó được hiểu là chế độ mặc định (DMN), nó giữ vai trò quan trọng trong việc tổng hợp bộ nhớ và mường tượng tương lai.
Nó cũng là vùng não được kích hoạt khi mọi người nhìn thấy người khác, khi nghĩ về chính họ, đưa ra phán xét về đạo đức hoặc phân tích cảm xúc của người khác.
Nói cách khác, nếu vùng não này không hoạt động, chúng ta sẽ gặp vấn đề liên quan đến bộ nhớ, khả năng nhận định, sự tương tác xã hội, sự thấu hiểu lẫn nhau... - những điều không những giúp chúng ta tồn tại được ở công sở mà còn cả ở trong đời thường.
Theo phân tích của bà Mary Helen Immordino-Yang - nhà nghiên cứu và nhà thần kinh học ở Viện Não bộ và Sáng tạo Đại học Nam California: "Nó giúp bạn nhận thức sâu hơn về mức độ quan trọng trong các tình huống, giúp bạn hiểu được ý nghĩa của các sự vật, sự việc.
Nếu bạn không hiểu được sự vật sự việc, bạn chỉ có thể hành động và phản ứng lại trong một khoảnh khắc, theo niềm tin, theo nhận thức hoặc theo kinh nghiệm mang tính cảm xúc".
Đây là điều quan trọng nhất: nếu chúng ta không dành thời gian để chăm sóc nội tậm, chúng ta sẽ mất đi thành phần cốt yếu của sự hạnh phúc.
"Rất nhiều lần chúng ta làm những việc mà không quan tâm đến ý nghĩa của việc đó. Immordino-Yang phân tích và nói thêm:
"Khi một người không có khả năng phân tích hành động của mình theo một nguyên nhân rộng hơn, dần dần, những hành động đó sẽ đem lại cảm giác lạc lõng, trống rỗng, mất đi sự kết nối tới các giác quan.
Và chúng ta hiểu rằng cảm giác lạc lõng đó sẽ dẫn đến việc không có được tâm lý ổn định và sức khỏe tốt".
Ngay cả việc đan lát cũng có thể giúp bộ não phục hồi khỏi các hoạt động không ngừng nghỉ.
Chủ động thoải mái
Nhưng bất kỳ ai đã từng cố nghỉ ngơi đều hiểu được, không làm gì là một điều khó đến mức ngạc nhiên. Bao nhiêu trong số chúng ta, sau 30 giây đếm ngược, lại cầm lại điện thoại của mình?
Thực tế, việc không làm gì khiến chúng ta không thoải mái và làm chúng ta tự hủy hoại bản thân.
Tin tốt là bạn không phải hoàn toàn không làm gì để phải chịu như vậy. Nghỉ ngơi thật sự là quan trọng. Nó là một phản ứng tích cực giúp bạn vượt qua các khó khăn hoặc giúp bạn có thêm một ý tưởng.
Theo lời của Immordino-Yang thì nếu bạn có chủ đích, bạn thậm chí có thể tiếp cận với vùng DMN của bạn. Yang nói: "Nếu bạn chỉ nhìn vào một bức ảnh đẹp, nó - DMN, sẽ không được kích hoạt.
Nhưng nếu bạn tạm dừng và cho phép bản thân suy nghĩ sâu hơn, rộng hơn, về lý do tại sao người trong ảnh lại cảm thấy như vậy, mường tượng cả khung cảnh có liên quan, thì khi đó bạn có thể đang kích hoạt vùng DMN".
Cũng không tốn nhiều thời gian để thoát khỏi những hiệu ứng tiêu cực của những hành động không ngừng.
Khi cả người lớn và trẻ em được đưa ra ngoài trời mà không có dụng cụ trợ giúp gì, trong vòng 4 ngày, khả năng thực hiện các nhiệm vụ để đo lường sự sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề đã gia tăng đến 50%.
Thậm chí chỉ cần một bước chân, tốt nhất là ở ngoài trời, đã được chứng minh là cực kỳ có ý nghĩa trong việc gia tăng sự sáng tạo.
Bất kỳ nhiệm vụ khác nào không đòi hỏi 100% sự tập trung đều có thể giúp ích, giống như việc đan len hoặc vẽ tự do.
Giống như phân tích của Virginia Woolf trong tác phẩm Room of One’s Own: "Vẽ những bức tranh là một cách thoải mái để kết thúc một buổi sáng nhàn rỗi. Nhưng chính trong sự nhàn rỗi đó, trong những giấc mơ đó, sự thật ẩn giấu đôi khi sẽ hiện ra".
Dù là bước ra xa khỏi bàn làm việc trong 15 phút, hay đăng xuất khỏi hộp thư internet trong đêm, một phần trong sự mâu thuẫn nội bộ của chúng ta chính là nỗi sợ rằng nếu chúng ta nghỉ ngơi trong chốc lát, mọi thứ sẽ sụp đổ.
Nhà thơ, nhà đầu tư và huấn luyện viên cuộc sống Janne Robinson nhận xét: đó hoàn toàn là sai lầm. Cô phân tích: "Phép ẩn dụ tôi thích dùng là về lửa.
Chúng ta bắt đầu kinh doanh, và sau một năm, sự việc sẽ diễn ra theo kiểu: khi nào chúng ta có thể dành một tuần để nghỉ ngơi, hay là thuê thêm một ai khác thế chỗ chúng ta?
Hầu hết mọi người đều không tin tưởng bất kỳ ai thế chỗ mình. Và khi đó "ngọn lửa lại bùng cháy". Điều gì xảy ra nếu chúng ta tin rằng đám tro tàn giờ không còn nóng nữa, và chúng ta có thể bỏ đi, liệu một ai khác có thể tham gia và tiếp tục làm cho lửa bùng lên?".
Điều đó không dễ dàng cho những ai cảm thấy chúng ta cần liên tục "làm việc". Nhưng để có thể làm được nhiều hơn, chúng ta nên thấy thoải mái với việc làm ít đi.
Ảnh và Nguồn: BizLive
Bài viết cùng loại
- 9 lý do bạn nên dành thêm thời gian cho riêng mình:
- 9 suy nghĩ tích cực làm tâm trạng bạn khá hơn
- Các bí kíp 5 giây giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi P2
- Các bí kíp 5 giây giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi P1
- 6 cách để vượt qua căng thẳng trong cuộc sống
- 5 cách để vượt qua khi bạn mất động lực cuộc sống
- 12 nhắc nhở giúp bạn hài lòng với cuộc sống hiện tại phần 2
- 12 nhắc nhở giúp bạn hài lòng với cuộc sống hiện tại phần 1
- Các cách đơn giản để cân bằng cuộc sống
- Duy trì động lực giúp bạn thoát khỏi tình trạng trì trệ