Bí quyết tăng khả năng tự chủ: Hãy tin tưởng vào bản thân!
Mỗi năm vào khoảng thời gian này, tôi và gia đình, cũng như người Do Thái trên khắp thế giới mừng lễ Passover. Giống như bao ngày lễ khác của dân Do Thái, lễ Passover là một bữa tiệc hoành tráng với hàng loạt món ăn truyền thống.
Với tôi nó thường kết thúc với câu hỏi tu từ của mấy chị em họ hàng “Sao mình lại ăn nhiều thế?”, theo sau đó là lời than thở “Trời ơi, tôi không tự chủ được trước đồ ăn!”
Bạn có cảm thấy quen không? Có lẽ đây là tình cảnh nhiều người đã từng trải qua, nhưng việc thiếu kiềm chế là do chúng ta không có “đủ” tự chủ, hay do các nhân tố khác như niềm tin và tư duy nhiều hơn?
Tự chủ là làm chủ bản thân, luôn ý thức được những gì mình đang làm và biết từ điều chỉnh hành vi cho theo lẽ đúng mực (Ảnh: DKN)
Khả năng tự chủ là không cố định
Rất nhiều người cho rằng tự chủ là phẩm chất duy trì ổn định suốt đời, giống như chỉ số thông minh IQ hay tính cách. Nghiên cứu về tâm lý học nhìn chung cũng ủng hộ cho quan điểm này.
Ví dụ, trong một thí nghiệm nổi tiếng, những đứa trẻ có thể cưỡng lại việc ăn 1 viên kẹo dẻo trong khoảng thời gian ngắn để sau đó được 2 viên kẹo, thì trong 10 năm sau đó chúng học giỏi và có đời sống xã hội tốt hơn những đứa đã ăn ngay viên kẹo ban đầu.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ thì quan điểm “tự chủ là đặc tính cố định” bắt đầu lung lay. Mức độ tự chủ của một người có khuynh hướng tăng giảm trong ngày. Vậy tự chủ bản thân giống với một loại năng lượng thể chất có lên có xuống, hơn là một khả năng cố định như trí thông minh.
Thật ra, ngay cả những nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm kẹo dẻo trên cũng giải thích tự chủ là một chiến thuật học được hơn là một khả năng thiên bẩm. Như vậy, các trẻ có thể cưỡng lại kẹo dẻo khi lớn lên sống tốt hơn vì chúng học được cách sử dụng hiệu quả kỹ năng làm chủ bản thân.
Tại sao có lúc chúng ta tự chủ tốt, có lúc lại không?
Sau khi biết rằng sự tự chủ là có lên có xuống, việc mất kiểm soát không còn là chuyện ai giỏi hay ai không giỏi. Mà câu hỏi trở thành: tự chủ bản thân dễ dàng hoặc khó khăn hơn khi nào hay trong hoàn cảnh nào?
Ví dụ, chúng ta đều biết rằng tâm trạng tiêu cực, mệt mỏi, và thức uống có cồn đóng vai trò lớn gây mất kiểm soát bản thân. Vì thế mà tôi thường nói với mấy người bà con, 4 ly rượu trong lễ Passover gây háu ăn ít nhất cũng ngang ngửa với ý chí yếu ớt của bản thân mình.
Các nỗ lực trước đó cũng làm giảm sự tự chủ, đã có nhiều nghiên cứu về nhân tố này. Nếu các yếu tố khác như nhau, cố gắng tự chủ lần thứ 2 sau 1 nỗ lực lần đầu, so với cố gắng tự chủ sau 1 khoảng thời gian thư thái, thì trường hợp một sẽ dễ thất bại hơn. Điều này đúng ngay cả khi tự chủ thể hiện ra những cách hành xử khác nhau.
Hiệu ứng suy giảm sự tự chủ qua các lần nỗ lực là rất phổ biến, đến nỗi nó còn được đặt tên là “sự suy yếu cái tôi”, và đã có hơn 100 nghiên cứu về nó. Do sự suy yếu cái tôi, mấy người bà con của tôi ngồi cắn răng chịu đựng để tránh các cuộc cãi vã xưa cũ sẽ dễ bị ăn quá đà hơn so với những ai thoải mái nói ra sự bất bình của họ.
Ăn quá nhiều (Ảnh: shutterstock)
Bạn có thể cải thiện khả năng tự chủ của mình không?
Các chuyên gia tâm lý học gần đây đã bắt đầu tìm hiểu xem điều gì có thể tăng khả năng kiềm chế thói háu ăn và các thói xấu khác.
Tâm trạng bi quan có thể làm giảm khả năng tự chủ, ngược lại, sự lạc quan giúp gia tăng nó. Các cố gắng tự chủ liên tiếp sẽ làm giảm khả năng này, ngược lại, các hoạt động mang tính phục hồi như cầu nguyện, thiền định, tự khẳng định sẽ củng cố khả năng tự chủ.
Cũng như rất nhiều quan niệm trong tâm lý học, tự chủ phụ thuộc chủ yếu vào niềm tin của chúng ta vào bản thân. Ví dụ, sau 1 việc khó khăn có thể gây ra “sự suy yếu cái tôi” cho những người khác, những cá nhân tin rằng họ dư năng lượng thì sẽ vẫn làm tốt trong những công việc cần đến sự kiềm chế sau đó.
Tương tự, đối với những người tin rằng tự chủ là vô hạn hơn là hữu hạn, họ không bị rơi vào trạng thái cái tôi bị suy yếu. Trong việc bị ăn uống quá đà, điều rút ra là: niềm tin của bạn về khả năng tự chủ bản thân quan trọng hơn nhiều so với mức độ tự chủ “thật sự” của bạn. Đây là trường hợp giống như câu nói nổi tiếng của Henry Ford “Dù bạn tin mình làm được hay không, thì bạn vẫn đúng.”
Sự thay đổi trong cách hiểu về tự chủ
Ở điểm này theo cách hiểu của tôi thì tự chủ thật sự là 1 nguồn lực, có thể tái tạo và thuộc về tâm lý. Trong thời gian dài chúng ta biết rằng các mục tiêu được thúc đẩy từ bên trong – vì những lý do riêng quan trọng đối với cá nhân – thì sẽ dễ thành công hơn những mục tiêu có sự thúc đẩy từ bên ngoài.
Quy luật này dường như cũng áp dụng trong việc tự chủ, đặc biệt trong trường hợp nghiện thức ăn nhanh và những thói vô độ khác. Nếu chúng ta thực sự muốn vượt qua, thì cám dỗ sẽ thật sự dễ dàng xử lý hơn so với khi chúng ta bị ép làm.
Trong việc tự làm chủ bản thân, thành công phụ thuộc vào ước muốn hơn là năng lực. Trong ngày lễ Passover, chúng ta đã biết làm thế nào để dừng ăn (theo đúng nghĩa đen), nhưng lại chưa biết làm thế nào nghĩ về thói tham ăn để tạo ra động lực giúp ta dừng lại. Có lẽ, trong năm tới, khoa học sẽ có nhiều cách giúp ta làm được điều đó.
Nguồn: The Conversation / DKN
Bài viết cùng loại
- Đứng trên đôi chân của chính mình
- Phụ nữ hiện đại
- Vượt qua nỗi sợ mang tên Body Shaming
- Làm thế nào để phát triển tự nhận thức?
- Tầm quan trọng của tự nhận thức
- Những cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo phần 2
- Những cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo phần 1
- Làm sao để trông tự tin hơn?
- Làm cách nào để chủ động hơn
- 8 thói quen giúp bạn làm việc hiệu quả phần 2