5 câu hỏi giúp bạn tìm ra ý nghĩa cuộc sống

Không may là dường như chúng ta đều đang gặp khó khăn trong việc kết nối với cảm giác sống có mục tiêu được ẩn sâu trong ta. Nếu bạn đang có ý định suy nghĩ sâu hơn về vấn đề này, bạn có thể bắt đầu với 5 câu hỏi sau.
 

1) Đâu là lúc bạn có được sự tập trung tuyệt đối?

 

Mihaly Csikszentmihalyi đã dành ra hơn bốn thập kỷ để nghiên cứu về “sự tập trung tuyệt đối” – trụ cột trong các nghiên cứu tâm lý học tích cực. Trạng thái tập trung tuyệt đối là trạng thái mà khi đó bạn hoàn toàn chìm đắm vào một hoạt động khiến cảm thấy thư giãn nhưng đồng thời cũng bị thách thức, thấy thú vị chứ không căng thẳng. Đó là một hoạt động khiến bạn mất đi sự tri nhận về thời gian và bạn chỉ tập trung vào nhiệm vụ mình đang nắm trong tay. Nó khác hẳn với những hoạt động khiến bạn cứ liên tục nhìn đồng hồ xem bao giờ thì hết giờ. 

 

Thư Giãn
Khi nào thì bạn tập trung tuyệt đối (Nguồn: Tomo)


Bạn hãy nghĩ thử xem hoạt động nào có thể đưa bạn vào trạng thái tập trung tuyệt đối đó. Đó có phải công việc bạn yêu thích, khiến bạn cảm thấy thời gian như trôi nhanh hơn? Đó có phải là những sở thích khiến bạn thấy chiều thứ 7 dường như luôn là không đủ? Đó có phải là những người mà việc dành thời gian cùng họ giúp bạn quên đi lo lắng, gánh nặng và bạn được là chính bạn? Đó là những gợi ý giúp bạn tìm ra hoạt động có khả năng cộng hưởng với tầng sâu bên trong tâm hồn bạn.
 

2) Ai là người bạn nghĩ đến khi bạn nghĩ về tình yêu?

 

Dù không phải cảm giác sống có mục đích ở mọi người đều gắn với một ai đó nhưng đối với số đông, mối quan hệ với những người chung quanh chính là nền tảng của cảm giác này. Tuy nhiên, cảm giác này không nhất thiết phải gắn với con người, đó có thể là một loài động vật mà bạn cảm nhận được một sự liên kết sâu sắc với chúng. Đối với bạn, “tình yêu” có nghĩa là gì? Khi bạn nghĩ về người có thể thể hiện điều ấy, bạn nghĩ về ai?

Rất khó để mọi người tin rằng ý nghĩa thật sự đối với cuộc sống của họ không đến từ sự nghiệp họ theo đuổi mà đến từ những người họ dành thời gian cùng hoặc đôi khi là sự kết hợp của cả hai: tổ chức mà bạn đang làm việc cho, những người bạn tình nguyện giúp đỡ hay cộng đồng hay lí do mà bạn tin vào. Tình yêu luôn chứa đựng nhiều ý nghĩa cuộc sống đối với mọi người nhưng khi bạn nghĩ về ý nghĩa của nó đối với riêng bạn, bạn sẽ tìm được hướng đi đúng, phù hợp với cảm giác sống có mục tiêu của bạn: vì sao bạn được sinh ra trên Trái Đất này và bạn muốn để lại di sản gì nơi đây.

 

3) Điều gì khiến bạn nỗ lực nhiều nhất?

 

Đối với mỗi sự việc, chúng ta có mỗi loại động lực khác nhau. Tuy nhiên, có vài việc ta thích làm đến mức ta dường như cảm thấy mọi nỗ lực ta bỏ vào chúng đều chưa đáng. Vì thế, hãy nghĩ về khoảng thời gian bạn thực sự tận hưởng quá trình làm việc vất vả. Những lúc đó, cảm giác không giống như bạn đang làm việc hay ít nhất là không hề giống khi bạn phải làm những việc bạn không thích. Điều này làm tôi nghĩ đến một câu ngạn ngữ cổ: “Hãy tìm ra việc bạn yêu thích và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời bạn cả.” Tất nhiên chẳng có ai trong chúng ta thực sự yêu công việc mình đang làm.

Cho dù chúng ta có một niềm đam mê lớn lao đối với công việc của mình, ta cũng hay trải qua những giai đoạn cảm thấy căng thẳng và quá tải. Nhưng nếu ta tìm ra được thứ khiến ta cam tâm làm việc chăm chỉ, ta sẽ tìm ra ý nghĩa cuộc sống, là thứ ta cần theo đuổi, thứ xứng đáng với thời gian, tâm hồn và trái tim của ta.

 

4) Nếu bạn là người viết lời cáo phó cho chính mình, bạn muốn viết điều gì?

 

Mặc dù câu hỏi này nghe khá bệnh hoạn và ngớ ngẩn nhưng việc nghĩ về điều bạn muốn để lại cho nhân thế trước khi trở về với cát bụi sẽ rất có ích cho công cuộc kiếm tìm mục đích sống. Nghĩ về cuộc đời mình trong tâm thế nó sắp kết thúc là một cách hữu hiệu giúp bạn tìm ra đâu là điều bạn muốn cống hiến thời gian của mình để đạt được.

Những người thường tiếp xúc với các cá nhân cận kề cái chết cho biết họ thường nhìn thấy một sự nuối tiếc lặp đi lặp lại ở các cá nhân này: dành quá nhiều thời gian lo lắng về những thứ không đáng lo trong khi không lo lắng đủ cho những thứ đáng phải lo. Bạn muốn để lại gì cho thế giới này? Những di sản hiện hữu, di sản về cảm xúc hay di sản xã hội? Bạn muốn mọi người tóm tắt cuộc đời của bạn như thế nào?

 

5) Nếu bạn có một ngày nghỉ - được giải phóng khỏi mọi cuộc hẹn, mọi loại trách nhiệm, cam kết – và bạn đang tràn đầy năng lượng, bạn có quyền làm bất cứ điều gì trong vòng 12 tiếng, bạn sẽ làm gì?

 

Tôi biết rằng trong một xã hội là “bận rộn” là một biểu tượng của địa vị cao, chắc hẳn không ai có thể nghĩ đến một ngày không trách nhiệm, được hoàn toàn nghỉ ngơi và được toàn quyền sử dụng thời gian theo cách mình muốn. Nhưng cứ thử xem nào, hãy nghĩ về một ngày mà bạn không phải giải quyết những vấn đề xảy ra vào hôm qua và chuẩn bị đối đầu với những vấn đề xảy ra vào ngày mai. Tất nhiên, xu hướng bản năng sẽ khiến bạn nghĩ về những việc khiến bạn được thư giãn như ngủ bù, xem phim bù hay đi massage. Nhưng tưởng tượng trong ngày đó, bạn đang tràn đầy năng lượng, bạn sẽ dùng nguồn năng lượng của mình để làm gì?

Thông thường, khi bạn có thể quên đi danh sách những việc cần làm hằng ngày – những việc chiếm phần lớn thời gian và đầu óc của bạn, những việc khiến cuộc sống của bạn nặng nề hơn – bạn sẽ có cảm giác tốt hơn để tìm ra ý nghĩa những điều bạn thực sự muốn làm trong cuộc đời mình chứ không còn cảm thấy phải làm vì không còn lựa chọn nào khác. Như vậy, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về điều bạn muốn làm trong thế giới này. Đến cuối cùng, lựa chọn vẫn là ở bạn.

>> 
5 cách để vượt qua khi bạn mất động lực cuộc sống

>> 10 bài học cuộc sống chẳng mấy ai dạy chúng ta P2

Nguồn: Tomo

Bài viết cùng loại

Bình luận