Các yếu tố duy trì thói quen thành công
Tất cả các nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffett, George Soros, Peter Lynch, Philip Fisher,… đều có những thói quen chi phối cách họ tư duy và hành động để mang lại các khoản lợi nhuận đầu tư béo bở. Bạn cũng có thể tạo dựng và duy trì cho mình những thói quen thành công như thế nếu hiểu được cơ chế để hình thành thói quen.
Thói quen - Phản xạ có thể luyện tập
Thói quen là một phản xạ có thể tập luyện và lặp đi lặp lại nhiều lần để trở nên thành thạo đến mức gần như là tự nhiên. Một khi hành động đã ăn sâu vào tâm trí thì thói quen sẽ là một phản xạ tiềm thức.
Điều này được minh chứng bằng ví dụ về người viết đúng chính tả: anh ta hoàn toàn không ý thức được làm thế nào mình có thể viết đúng một từ. Anh ta chỉ biết rằng viết như thế nào là đúng.
Vậy chẳng phải hầu hết những gì mà các nhà đầu tư thành công thực hiện đều xảy ra ở cấp độ ý thức sao? Chẳng phải việc đọc báo cáo hàng năm, phân tích bảng cân đối tài chính hay việc tìm hiểu các mô hình trong sơ đồ cổ phiếu hoặc giá hàng... đều là những hoạt động có ý thức đó sao?
Tất nhiên là như vậy, những ý thức chỉ là “mặt nổi” của “tảng băng tinh thần”.
Đằng sau mọi suy nghĩ, quyết định hay hành động luôn là những quá trình phức tạp thuộc về tiềm thức. Ngoài ra, niềm tin và xúc cảm ẩn giấu bên trong đôi khi cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ ngay cả với người cứng rắn và quyết đoán nhất.
Ví dụ, nếu mọi người cứ liên tục bị người khác chế giễu rằng: “Anh không thể viết đúng chính tả” thì lời nói đó có thể âm thầm len lỏi vào tiềm thức và trở thành một phần trong suy nghĩ của anh ta. Anh ta vẫn hiểu được chiến lược của người viết chính tả giỏi, thậm chí cũng có thể viết chính xác như họ nếu được hướng dẫn cách làm. Nhưng rồi anh ta sẽ nhanh chóng quay trở lại kiểu tư duy của mình nếu bạn để anh ấy một mình xoay xở với các con chữ. Chỉ khi nào bản thân người đó thay đổi ý nghĩ “mình sẽ chẳng bao giờ viết đúng chính tả” thì anh ta mới có khả năng tiếp nhận những thói quen tinh thần của người viết đúng chính tả.
Chiến lược của “người phá băng”
Thử tưởng tượng bạn đang dự một bữa tiệc. Bạn nhìn thấy hai người đàn ông cùng ngắm nhìn một phụ nữ duyên dáng và quyến rũ. Người đàn ông thứ nhất bắt đầu tiến lại gần cô ta rồi đột nhiên dừng lại, đổi hướng tiến đến quầy rượu. Kể từ đó, cho đến hết buổi tối, anh ta trở thành người ngoài cuộc và chỉ biết làm mỗi một việc là uống đến say khướt. Vài phút sau, người đàn ông thứ hai đi về phía người phụ nữ và hai người bắt đầu trò chuyện.
Dần dần, bạn nhận ra rằng người đàn ông thứ hai dường như bắt chuyện với hầu hết tất cả mọi người có mặt trong bữa tiệc hôm đó. Anh ta cũng đến bắt chuyện với bạn. Bạn kết luận rằng anh ta đúng là một chàng trai lịch sự và đáng mến; nhưng khi nghĩ lại, bạn chợt nhận ra rằng anh ta chẳng phải là người nói nhiều, mà chỉ có những người khác nói thôi.
Có lẽ bạn đã từng gặp nhiều người như thế. Họ đến làm quen với một người hoàn toàn xa lạ và chỉ sau vài phút đã có thể trò chuyện như những người bạn lâu năm. Đó là “những người phá băng”, và đằng sau cách cư xử của họ chính là những thói quen mà họ luôn tuân thủ. Và đó cũng chính là bốn yếu tố cần thiết để duy trì một thói quen tinh thần
1. Niềm tin - để định hướng cho hành vi của bạn: Họ tin rằng tất cả mọi người đều có những điều thú vị.
2. Chiến lược tinh thần, nghĩa là một quá trình tác động để thay đổi nhận thức: Họ lắng nghe tiếng nói vang lên từ bên trong bản thân họ. Tiếng nói đó nhắc họ rằng: “Anh/chị ấy là một người thú vị đấy chứ”.
3. Cảm xúc hỗ trợ: Họ cảm thấy tò mò, thậm chí háo hức khi nghĩ đến việc sẽ được tiếp xúc với những người bạn mới. Họ luôn cảm thấy hài lòng về bản thân mình và tập trung quan sát mọi sự việc đang diễn ra xung quanh. Lý do là nếu họ đang bận tâm về một vấn đề nào đó hay cảm thấy thất vọng về một điều gì khác - tức là hướng sự tập trung của mình vào bên trong - thì họ sẽ không có tâm trạng để trò chuyện với người khác.
4. Các kỹ năng liên quan: Họ thiết lập mối quan hệ bằng ánh mắt - luôn nhìn thẳng và họ mang cả nụ cười vào ánh mắt thân thiện đó. Họ luôn gợi chuyện bằng những câu nhận xét chung chung, vô hại và duy trì cuộc nói chuyện bằng cách lắng nghe, trong khi mắt vẫn nhìn thẳng và tập trung chú ý vào người đang nói (làm cho người nói cảm thấy mình quan trọng).
Bạn có thể kiểm nghiệm điều này bằng cách thử áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của mình. Hãy tưởng tượng (nếu bạn còn chưa tin) là bạn nhận thấy mọi người quanh bạn đều thú vị, và tự nói với chính mình: “Anh/chị ấy là một người thú vị đấy chứ!”. Sau đó, quan sát điểm thú vị của mọi người. Còn nếu bạn đang ngồi một mình, hãy tưởng tượng rằng mình đang ở giữa một đám đông náo nhiệt – khi đó bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt, dù đó chỉ là cảm nhận thoáng qua.
Bạn cũng có thể áp dụng 4 yếu tố này để tạo dựng và duy trì những thói quen thành công khác cho mình.
Bài viết cùng loại
- Đứng trên đôi chân của chính mình
- Phụ nữ hiện đại
- Vượt qua nỗi sợ mang tên Body Shaming
- Làm thế nào để phát triển tự nhận thức?
- Tầm quan trọng của tự nhận thức
- Những cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo phần 2
- Những cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo phần 1
- Làm sao để trông tự tin hơn?
- Làm cách nào để chủ động hơn
- 8 thói quen giúp bạn làm việc hiệu quả phần 2