Rèn luyện tư duy từ 6 chiếc mũ tư duy

6 chiếc mũ tư duy” là một công cụ trợ giúp tư duy được Edward de Bono giới thiệu trong cuốn “6 Thinking Hats”. Đây là một phương pháp cực kỳ hiệu quả, giúp bạn đánh giá sự việc từ nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra quyết định tốt hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn mọi ngóc ngách của sự việc, nhận diện được những nguy cơ và cơ hội mà bình thường bạn có thể không chú ý đến.

Những người thành đạt thường tư duy sáng tạo theo hướng tích cực, thiên về lý trí, và đó là một trong những lý do giúp họ thành công. Mặc dù vậy, thông thường, họ có thể không đánh giá vấn đề từ các góc nhìn khác như cảm xúc, trực giác, sáng tạo hoặc mang tính tiêu cực. Hệ quả là đôi lúc họ bỏ qua những yếu tố có thể đưa đến sự thay đổi, không thể tạo ra những đột phá thật sự và không chuẩn bị những kế hoạch dự phòng cần thiết cho những rủi ro có thể gặp. Ngoài ra, những người đã quen giải quyết vấn đề một cách khoa học có thể sẽ không phát huy được khả năng sáng tạo hoặc giải quyết vấn đề dựa trên trực giác của họ.

 


Luyện tư duy sáng tạo theo phương pháp 6 chiếc mũ tư duy (Ảnh nguồn: TriTri)


Nếu đánh giá một vấn đề bằng phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”, bạn có thể giải quyết nó dựa trên tất cả các góc nhìn đã đề cập. Bạn sẽ kết hợp được cả tham vọng, kỹ năng thực hành, sự nhạy cảm, sáng tạo và khả năng lập kế hoạch dự phòng tốt trong việc ra quyết định và hoạch định.

Mũ trắng - Objective

Khi đội “Mũ trắng”, bạn sẽ đánh giá vấn đề một cách khách quan, dựa trên những dữ kiện có sẵn. Hãy nghiên cứu thông tin bạn có để tìm ra câu trả lời cho những điều bạn còn thắc mắc.

Một số câu hỏi có thể sử dụng:

Chúng ta có những thông tin gì về vấn đề này?

Chúng ta cần có những thông tin nào liên quan đến vấn đề đang xét?

Chúng ta thiếu mất những thông tin, dữ kiện nào?

Mũ đỏ - Intuitive

Khi đội “Mũ đỏ”, bạn sẽ đánh giá vấn đề dựa trên trực giác và cảm xúc. Hãy cố gắng đoán biết cảm xúc của người khác thông qua những phản ứng của họ và cố gắng hiểu được những phản ứng tự nhiên của những người không hiểu rõ lập luận của bạn.

Một số câu hỏi có thể sử dụng:

Cảm giác của tôi ngay lúc này là gì?

Trực giác của tôi mách bảo điều gì về vấn đề này?

Tôi thích hay không thích vấn đề này?

Mũ đen - Negative

Khi đội “Mũ đen”, bạn cần đánh giá vấn đề theo góc nhìn tiêu cực, cẩn trọng và e dè. Hãy cố gắng đoán trước những nguyên nhân có thể khiến ý tưởng và cách giải quyết vấn đề không đạt hiệu quả như mong đợi. Nhìn nhận sự việc theo cách này sẽ giúp bạn loại bỏ những điểm yếu trong một kế hoạch hoặc cách thức tiến hành công việc, điều chỉnh cách giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho những vấn đề có thể nảy sinh ngoài dự kiến.

Nhiều người thành đạt đã quen với việc suy nghĩ một cách lạc quan. Do vậy, họ có thể sẽ không dự kiến hết được những vấn đề có thể phát sinh nên không có sự chuẩn bị chu đáo. Phương pháp tư duy “Mũ đen” sẽ giúp họ tránh được điều này.

Một số câu hỏi có thể sử dụng:

Những rắc rối, nguy hiểm nào có thể xảy ra?

Những khó khăn nào có thể phát sinh khi tiến hành làm điều này?

Những nguy cơ nào đang tiềm ẩn?

Mũ vàng - Positive

Khi đội “Mũ vàng”, bạn sẽ suy nghĩ một cách tích cực. Sự lạc quan sẽ giúp bạn thấy hết được những lợi ích và cơ hội mà quyết định của bạn mang lại. Cách tư duy “Mũ vàng” giúp bạn có thêm nghị lực để tiếp tục công việc khi bạn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Một số câu hỏi có thể sử dụng:

Những lợi ích khi chúng ta tiến hành dự án này là gì?

Đâu là mặt tích cực của vấn đề này?

Liệu vấn đề này có khả năng thực hiện được không?

Mũ xanh lá cây - Creative

Mũ xanh lá cây tượng trưng cho sự sáng tạo. Lối tư duy tự do và cởi mở khi đội “Mũ xanh” sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.

Một số câu hỏi có thể sử dụng:

Những lợi ích khi chúng ta tiến hành dự án này là gì?

Đâu là mặt tích cực của vấn đề này?

Liệu vấn đề này có khả năng thực hiện được không?

Mũ xanh dương - Process

Đây là chiếc mũ người chủ tọa đội để kiểm soát tiến trình cuộc họp. Khi gặp khó khăn do bế tắc về ý tưởng, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh cách tư duy của mọi người dự họp sang hướng “Mũ xanh lá cây”. Còn khi cần lập kế hoạch dự phòng, chủ tọa sẽ yêu cầu mọi người tư duy theo cách “Mũ đen”.

Một số câu hỏi có thể sử dụng:

Xác định trọng tâm và mục đích thảo luận cho nhóm (Chúng ta ngồi ở đây để làm gì? Chúng ta cần tư duy về điều gì? Mục tiêu cuối cùng là gì?)

Sắp xếp trình tự cho các chiếc nón trong suốt buổi thảo luận. Người đội nón xanh da trời cần bảo đảm nguyên tắc vàng sau: “Tại một thời điểm nhất định, mọi người phải đội mũ cùng màu”.

Cuối cùng, tập hợp mọi ý kiến, tóm tắt, kết luận và ra kế hoạch (Chúng ta đã đạt được gì qua buổi thảo luận? Chúng ta có thể bắt đầu hành động chưa? Chúng ta có cần thêm thời gian và thông tin để giải quyết vấn đề này?)

Bạn có thể sử dụng phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” trong các cuộc họp hoặc khi giải quyết vấn đề của mình. Nếu dùng trong các cuộc họp, kỹ thuật này sẽ giúp chủ tọa tháo “ngòi nổ” xung đột có thể xảy ra khi nhiều người có lối tư duy khác nhau cùng thảo luận về một vấn đề. Bạn cũng có thể sử dụng một phương pháp khác tương tự với “6 chiếc mũ tư duy” là đánh giá vấn đề từ quan điểm của nhiều chuyên gia (bác sĩ, kiến trúc sư, giám đốc kinh doanh …) hoặc khách hàng tiềm năng.

 

Ví dụ về phương pháp tư duy 6 chiếc mũ trong thực tế


Đội dự án đa quốc gia của tập đoàn hàng đầu (ABB) từng mất 30 ngày hội họp để đưa ra một quyết định, sau khi họ áp dụng lối tư duy đồng thuận, thời gian rút xuống chỉ còn hai ngày.

Một tập đoàn khác, tập đoàn Statoil của Na Uy gặp phải vấn đề về một thiết bị khoan dầu, tốn tới vài trăm nghìn đô la mỗi ngày. Khi Jens Arup, một chuyên viên về phương thức tư duy 6C, giới thiệu với họ phương thức tư duy, vấn đề được giải quyết chỉ trong 12 phút và khoản chỉ một trăm nghìn đô la mỗi ngày giảm xuống bằng 0!

Người ta đã tiến hành một cuộc trắc nghiệm nhỏ đối với ba công chức cao cấp, áp dụng phương thức tư duy 6C, tốc độ tư duy của họ tăng 493%!

Six thinking hats đưa ra mô hình tư duy giải quyết vấn đề theo chương trình qua sáu cách khác nhau mà tác giả ví như đội sáu chiếc mũ khác màu vậy. Đây được xem là một mô hình tích cực hóa tư duy (activate thinking). Mô hình này nặng về yếu tố tâm lý của người giải quyết vấn đề mà nhẹ về xem xét các yếu tố khách quan.

Mô hình này được phổ biến khá thành công và cũng đem lại kết quả tốt cho nhiều người nhờ nó giúp người giải thoát khỏi Tính ỳ tâm lý (psychological Inertia) vốn cản trở con người sáng tạo.

 


6 chiếc mũ tư duy chủ yếu nhấn mạnh yếu tố tâm lý của người giải quyết (Ảnh nguồn: Kenhtuyensinh)


Tuy nhiên vì xem nhẹ các yếu tố khách quan như bản chất đối tượng cần giải quyết và các quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội và con người nên Phương pháp này cũng có nhiều giới hạn. Việc giải quyết vấn đề - nhất là các vấn đề khó, phức tạp đòi hỏi phải vượt qua các trở ngại cả về chủ quan (tâm lý) và nhận thức tốt các yếu tố khách quan. Điếu này lại được xem xét và khắc phục bằng các công cụ và phương pháp (tools & methods).

Kỹ thuật 6 chiếc nón tư duy đã được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới và trong nhiều công ty lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, giáo dục, quản lý,… Ngày nay, hàng trăm ngàn người đã được đào tạo kỹ thuật Six Thinking Hats® và các tổ chức như Prudential Insurance, IBM, Federal Express, British Airways, Polaroid, Pepsico, DuPont, và Nippon Telephone and Telegraph cũng sử dụng Six Thinking Hats®.

“6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp lý tưởng để đánh giá tác động của một quyết định từ nhiều quan điểm khác nhau. Nó giúp bạn kết hợp những yếu tố thuộc về cảm tính với những quyết định lý tính và khuyến khích sự sáng tạo khi ra quyết định. Nhờ vậy, kế hoạch của bạn sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, nó còn có thể giúp bạn tránh được những sai lầm trong kỹ năng giao tiếp và thấy trước những nhược điểm của một kế hoạch hành động.

Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo, luyện tư duy sáng tạo, phương pháp 6 chiếc mũ, thinking 6 hats, phương pháp tư duy.

 

Nguồn: VietNamWork

Bài viết cùng loại

Bình luận